Sinh thái – Đức Giáo Hoàng kêu gọi « đừng để ai bên lề cuộc đời »

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

« Một nền kinh tế nhân bản hơn không chỉ tính đến sự thỏa mãn những ước muốn tức khắc, mà còn phải tính đến hạnh phúc của các thế hệ tương lai » : đó là điều cầu chúc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước các tham dự viên của một Hội Nghị quốc tế về sứ điệp Laudato Si’, mà ngài đã tiếp kiến tại Vatican ngày.

Sự kiện mang tên « Học thuyết Xã hội của Hội thánh, những gốc rễ của thời đại kỹ thuật số : sống Laudato Si’ như thế nào », được khởi xướng bởi Quỹ Centesimus Annus pro Pontifice

Trong bài diễn văn của ngài, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi « một ‘‘sự đổi hướng’’, nghĩa là một sự thay đổi lòng trí » : « một tầm nhìn đạo đức được đổi mới, biết đặt để con người ở trung tâm, trong chủ tâm là không để một ai bên lề cuộc đời. Một cách nhìn hợp nhất thay vì chia rẽ, dung nạp thay vì loại trừ. »

Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Quý Bạn thân mến,

Tôi sung sướng chào mừng tất cả quý bạn đã tham dự Hội Nghị quốc tế 2019 của Quỹ Centesimus Annus pro Pontifice. Tôi cảm ơn các bạn trong ban tổ chức và những ai tham gia vào các cuộc thảo luận về sự phát huy một nền sinh thái toàn diện.

Năm nay, Hội Nghị của các bạn thảo luận về thông điệp Laudato Si’ và lời kêu gọi hoán cải lòng trí, để phát triển một nền sinh thái toàn diện ở cấp quốc tế, quốc gia và cá nhân.

Trong suốt 4 năm qua từ khi công bố thông điệp, chắc chắn đã có các dấu hiệu ý thức khá hơn về sự cần thiết phải chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi nghĩ về sự chấp nhận, từ phía nhiều quốc gia, những Mục Tiêu của sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc ; về sự đầu tư gia tăng vào nguồn năng lượng tái tạo và bền vững ; về những phương pháp mới có tính hiệu quả của năng lượng ; và về một sự nhậy cảm rộng lớn hơn các chủ đề sinh thái, nhất là nơi những người trẻ.

Đồng thời, còn có một số lớn những thách đố và vấn đề. Thí dụ, sự tiến bộ để đạt những Mục Tiêu phát triển bền vững, trong nhiều trường hợp, đã chậm trễ hay còn chưa có nữa ; hoặc, đáng buồn thay, đang đi thụt lùi. Việc lạm dụng những tài nguyên thiên nhiên và những mô hình phát triển không mang tính dung nạp và không bền vững tiếp tục có những tác động tiêu cực trên sự nghèo khó, trên sự tăng trưởng và trên sự công bằng xã hội (x. Laudato Si’ 43, 48). Laudato Si’ không phải là một sứ điệp ‘‘xanh’’ : đó là một sứ điệp xã hội. Xin các bạn đừng quên điều này. Ngoài ra, công ích bị làm tổn hại bởi những thái độ cá nhân chủ nghĩa thái quá, của chủ nghĩa tiêu thụ và của sự lãng phí. Tất cả những thứ đó gây khó khăn cho việc phát huy của sự liên đới kinh tế, môi sinh và xã hội và tính bền vững trong một nền kinh tế nhân bản hơn, không chỉ coi trọng những ước muốn nhất thời, mà còn là hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Đứng trước những thách đố khổng lồ ấy, người ta dễ có thể bị nản lòng, nhường chỗ cho sự mất tự tin và lo lắng. Tuy nhiên, « không phải là tất cả đều hỏng hết, bởi vì nếu con người, có khả năng tự làm mình suy thoái đến tận cùng, thì họ cũng có thể vượt lên chính mình, chọn lựa làm điều tốt lại và tự tái sinh, vượt ra ngoài mọi điều kiện hóa tinh thần và xã hội mà người ta muốn áp đặt lên họ » (ibid., 205).

Vì lý do đó, từ hoán cải mang một tầm quan trọng đặc biệt trong tình hình hiện tại của chúng ta. Các giải đáp phù hợp với những vấn đề hiện tại không thể là hời hợt được. Hay đúng hơn, chính là phải có một sự hoán cải, một ‘‘sự chuyển hướng’’, nghĩa là một sự thay đổi lòng trí con người. Sự dấn thân để vượt qua những vấn đề như nạn đói và sự bất ổn lương thực, sự bất ổn xã hội và kinh tế lưu cữu, sự suy thoái của hệ sinh thái và ‘‘nền văn hóa thải loại’’, đòi hỏi một cách nhìn đạo đức đổi mới, biết đặt con người vào trung tâm, trong chủ tâm không để một ai bên lề cuộc đời. Một cách nhìn hợp nhất chứ không chia cắt, thu nạp chứ không thải loại. Đó là một cách nhìn được biến đổi bằng cách duy trì mục tiệu hiện tại và mục tiêu cuối cùng trong công việc, nỗ lực, cuộc sống và thời gian của chúng ta trên trái đất này (x. ibid, 160).

Sự phát triển một nền sinh thái toàn diện, như thế, vừa là một lời kêu gọi vừa là một bổn phận. Đó là một lời kêu gọi phải tái khám phá căn tính của chúng ta, những người con trai và con gái của Cha chúng ta ở trên trời, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được giao trách nhiệm làm người quản lý trái đất (x. St 1,27 .28. 2,15) ; được tái tạo thông qua cái chết cứu độ và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô (x.2cr 5,17) ; được thánh hóa bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần (x. 2Tx 2,13). Căn tính đó là một ân sủng của Thiên Chúa ban cho mọi người và cả cho công trình tạo dựng, được canh tân bởi ân sủng sống động của sự chết và sự sống lại của Chúa. Dưới ánh sáng đó, lời kêu gọi của chúng ta về việc phải liên đới giống như quý anh chị em và về trách nhiệm đối với ngôi nhà chung luôn trở thành khẩn cấp hơn.

Trước mắt chúng ta có bổn phận « chuyển đổi mô hình phát triển toàn cầu » (ibid., 194), bằng cách mở ra một cuộc đối thoại mới về tương lai của hành tinh chúng ta (ibid., 14). Mong rằng những thảo luận và sự dấn thân của quý bạn có thể mang lại hoa trái để góp phần vào sự thay đổi sâu sắc cho tất cả các tầng lớp của các xã hội đương thời của chúng ta : các cá nhân, các xí nghiệp , các thể chế và các chính sách. Dù rằng nhiệm vụ này có thể làm chúng ta lo sợ, tôi khuyến khích quý bạn đừng để mất hy vọng, bởi vì niềm hy vọng này được xây dựng trên tình yêu khoan dung của Cha trên trời. Người kêu gọi chúng ta phải rộng lượng phục vụ và hiến tặng tất cả, Người ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để chúng ta tiến bước. Giữa thế giới này, Chúa sự sống, Người thương yêu chúng ta vô cùng, Người luôn hiện diện. Người không bỏ rơi chúng ta, Người không để chúng ta cô đơn một mình, bởi vì Người đã tự kết hợp vô cùng với trái đất của chúng ta và tình yêu của Người luôn dìu dắt chúng ta để tìm ra những nẻo đường mới.

Quý bạn thân mến, với những tình cảm đó, tôi phó thác tất cả quý bạn, gia đình quý bạn, cho sự chuyển cầu đầy tình yêu thương của Đức Maria, Mẹ của Hội Thánh, và tôi hết lòng ban cho quý bạn phép lành Tòa Thánh như một chứng từ của niềm vui và bình an trong Đức Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Và tôi xin quý bạn vui lòng cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.

Bản dịch của Zenit: Anne Kurian
Nguồn: https://fr.zenit.org/articles/ecologie-le-pape-appelle-a-ne-laisser-personne-en-marge-de-la-vie/