Nguyễn Khang dịch
Giáo hội Công giáo tuyên bố rằng cuộc sống con người là thánh thiêng và phẩm giá của con người là nền tảng của tầm nhìn luân lý dành cho xã hội. Niềm tin này là nền tảng của tất cả các nguyên tắc của giáo huấn xã hội. Trong xã hội của chúng ta, sự sống con người đang bị tấn công trực tiếp từ việc phá thai và trợ tử. Giá trị của sự sống con người đang bị đe dọa bởi nhân bản vô tính, nghiên cứu tế bào gốc phôi và án tử hình. Việc cố ý nhắm mục tiêu vào thường dân trong chiến tranh hoặc các cuộc tấn công khủng bố luôn là sai trái. Giáo huấn Công giáo cũng kêu gọi chúng ta hành động để tránh chiến tranh. Các quốc gia phải bảo vệ quyền sống bằng cách tìm ra những cách ngày càng hiệu quả để ngăn chặn xung đột và giải quyết chúng bằng các biện pháp hòa bình. Chúng tôi tin rằng mỗi người đều quý giá, rằng con người quan trọng hơn mọi thứ, và thước đo của mọi định chế là liệu chúng có đe dọa hay nâng cao sự sống và phẩm giá của con người hay không.
Kinh Thánh
Sáng Thế, 1,26-31: Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ theo hình ảnh của Người.
Đệ Nhị Luật: 10,17-19: Thiên Chúa yêu thương cô nhi, quả phụ, và ngoại kiều.
Thánh Vịnh 139,13-16: Thiên Chúa dựng nên mỗi người chúng ta và biết rõ chúng ta mười mươi.
Châm Ngôn 22,2: Kẻ giàu người nghèo gặp nhau ở điểm này: cả hai đều được Đức Chúa tạo dựng.
Lu-ca 10,25-37: Người Sa-ma-ri tốt lành đã nhận ra phẩm giá nơi người ấy và đã chăm sóc mạng sống người ấy.
Gio-an 4,1-42: Chúa Giê-su đã phá vỡ các phong tục xã hội và tôn giáo để tôn vinh phẩm giá người phụ nữ Sa-ma-ri.
Rô-ma 12,9-18: Hãy yêu thương nhau, góp phần chia sẻ cho những người đang lâm cảnh túng thiếu, sống hòa thuận với mọi người.
1 Cô-rin-tô 3,16: Anh em là thánh, vì anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thiên Chúa ngự trong anh em.
Ga-lát 3,27-28: Tất cả mọi Ki-tô hữu chỉ là một trong Đức Giê-su Ki-tô.
Gia-cô-bê 2,1-8: Hãy kính trọng người nghèo.
1 Gio-an 3,1-2: Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa.
1 Gio-an 4,7-12: Hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Truyền thống
“Thế giới tồn tại cho tất cả mọi người, bởi vì tất cả chúng ta đều được sinh ra với cùng một phẩm giá. Sự khác biệt về màu da, tôn giáo, tài năng, nơi sinh hoặc nơi cư trú, và rất nhiều thứ khác, không thể được sử dụng để biện minh cho đặc quyền của một số người vượt trên quyền của tất cả mọi người. Là một cộng đồng, chúng ta có nghĩa vụ đảm bảo rằng mọi người đều sống với phẩm giá và có đầy đủ cơ hội cho sự phát triển toàn diện của họ.” (Giáo hoàng Phanxicô, Về Tình Huynh đệ và Tình bạn xã hội [Fratelli Tutti], số 118)
“Phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải vì phẩm giá đó là thứ mà chúng ta đã phát minh hoặc tưởng tượng, mà bởi vì con người sở hữu một giá trị nội tại vượt trội so với các đối tượng vật chất và các tình huống xảy ra bất chợt. Điều này đòi hỏi họ phải được đối xử khác nhau. Rằng mỗi con người đều sở hữu một phẩm giá bất khả xâm phạm là một sự thật tương ứng với bản chất con người ngoài mọi thay đổi văn hóa. Vì lý do này, con người có cùng một phẩm giá bất khả xâm phạm trong mọi thời đại lịch sử và không ai có thể coi mình là người được ủy quyền bởi các tình huống cụ thể để từ chối niềm tin này hoặc hành động chống lại nó.” (Giáo hoàng Phanxicô, Về Tình Huynh đệ và Yình bạn Xã hội [Fratelli Tutti], số 213)
“Ví dụ, việc bảo vệ thai nhi vô tội cần phải rõ ràng, vững chắc và thiết tha vì tình trạng bị đe dọa là sinh mạng của một con người, là thánh thiêng và đòi hỏi tình yêu dành cho mỗi người, bất kể giai đoạn phát triển nào của người ấy. Tuy nhiên, sự thánh thiêng không kém là cuộc sống của người nghèo, những người đã sinh vào đời, người nghèo khổ, người bị bỏ rơi và người kém may mắn, người ốm yếu và người già dễ bị đưa đẩy tới cái chết êm dịu bí ẩn, nạn nhân của nạn buôn người, các hình thức nô lệ mới và mọi hình thức từ chối. Chúng ta không thể duy trì một lý tưởng về sự thánh thiện nhưng lại phớt lờ bất công trong một thế giới nơi mà một số người thì ăn uống say sưa, chi tiêu hoang phí và chỉ sống hùa theo những hàng hóa tiêu dùng mới nhất, trong khi đó những người khác chỉ đứng nhìn từ xa, sống cả đời mình trong cảnh cùng khổ.” (Giáo hoàng Phanxicô, Hãy Vui mừng Hoan hỉ [Gaudete et Exsultate], số 101)
“Con người cũng là các thụ tạo của thế giới này, được hưởng quyền sống và hạnh phúc, và được phú cho một phẩm giá độc nhất vô nhị. Do đó, chúng ta không thể bỏ qua các hậu quả của sự suy thoái môi trường, của các mô hình phát triển hiện hành và văn hóa thải loại trên cuộc sống của con người.” (Giáo hoàng Phanxi cô, Về việc Chăm sóc Ngôi nhà chung của Chúng ta [Laudato Si’], số 43).
“Khi người ta không nhận ra trong thực tế về giá trị của người nghèo, của một bào thai, của một cá nhân phải sống trong tình trạng thương tật – chỉ nêu ra vài ví dụ – người ta cũng sẽ rất khó lắng nghe tiếng gào thét của chính thiên nhiên; mọi thứ đều liên kết với nhau.” (sđd, số 117).
“Cũng giống như điều răn ‘Ngươi không được giết người’ đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của sự sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải nói ‘Ngươi không được’ đối với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như vậy giết chết. Tại làm sao một người vô gia cư lớn tuổi chết vì phơi nhiễm không phải là một bản tin, nhưng thị trường chứng khoán mất đi hai điểm lại là tin tức cơ chứ? Đây là một trường hợp loại trừ. Chúng ta có thể tiếp tục đứng yên khi thức ăn bị vứt bỏ trong khi người khác đang đói không? Đây là một trường hợp bất bình đẳng. Ngày nay mọi thứ đều tuân theo luật cạnh tranh và sự sống còn của kẻ mạnh nhất, nơi kẻ mạnh được nuôi dưỡng bằng kẻ yếu. Kết quả là, hàng loạt người thấy mình bị loại trừ và bị gạt ra ngoài lề: không có việc làm, không có khả năng, không có bất kỳ phương tiện trốn thoát nào. Bản thân con người được coi là hàng tiêu dùng được sử dụng và sau đó bị loại bỏ. Chúng ta đã tạo ra một nền văn hóa ‘thải loại’ hiện giờ đang lan rộng. Nó không còn đơn giản là về sự bóc lột và áp bức, mà là một cái gì đó mới mẻ. Sự loại trừ cuối cùng có liên quan đến ý nghĩa của việc trở thành một phần của xã hội mà chúng ta đang sống trong đó; những người bị loại trừ không còn là tầng lớp dưới đáy hay bên lề hoặc bị tước hết các quyền của xã hội – họ không còn là một phần của nó nữa. Những người bị loại trừ này không chỉ là ‘người bị bóc lột’ mà còn là người bị ruồng bỏ, ‘người thừa’.” (Giáo hoàng Phanxicô, Niềm vui của Tin Mừng [Evangelii Gaudium], số 53)
“Phẩm giá của cá nhân và các yêu sách của công bằng đòi hỏi, đặc biệt là ngày nay, rằng các lựa chọn kinh tế không làm gia tăng sự chênh lệch về của cải một cách quá mức và không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.” (Giáo hoàng Biển Đức XVI, Bác ái trong Chân lý [Caritas in Veritate], số 32)
Con người được Thiên Chúa muốn; họ được in dấu bằng hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá của họ không đến từ công việc họ làm, mà đến từ con người họ. (Xem thánh. Gioan Phaolô II, Bách chu niên [Centesimus annus], số 11)
“Cơ sở cho tất cả những gì Giáo hội tin tưởng về các chiều kích đạo đức của đời sống kinh tế là tầm nhìn của nó về giá trị siêu việt – sự thánh thiêng – của con người. Phẩm giá của con người, được nhận ra trong cộng đồng với những người khác, là tiêu chí mà tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế phải được đo lường.
Do đó, các định chế tạo nên nền kinh tế phải phục vụ tất cả mọi người, chứ không phải là các phương tiện bị khai thác cho các mục tiêu được xác định một cách hẹp hòi. Con người phải được tôn trọng với sự tôn kính sùng mộ. Khi chúng ta giao hảo với nhau, chúng ta nên làm như vậy với cảm giác kinh ngạc nảy sinh trước sự hiện diện của một thứ gì đó thánh thiện và thiêng liêng. Vì đó là những gì mà con người là: chúng ta được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27).” (Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, Công bằng Kinh tế cho Tất cả mọi người, số 28)
“Mỗi cá nhân, chính xác là vì lý do huyền nhiệm của Lời Chúa, Đấng đã trở thành xác phàm (xem Ga 1:14), được trao phó cho sự chăm sóc của người mẹ là Giáo hội . Do đó, mọi mối đe dọa đối với phẩm giá và sự sống của con người nhất thiết phải được cảm nhận trong chính trái tim của Giáo hội; nó không thể không ảnh hưởng đến cốt lõi đức tin của Giáo hội vào sự Nhập thể Cứu chuộc của Con Thiên Chúa, và tham gia vào sứ mệnh công bố Tin Mừng của sự sống trên toàn thế giới và cho mọi loài thụ tạo (xem. Mc 16:15).” (Thánh Gioan Phaolô II, Tin mừng Sự sống [Evangelium vitae], số 3)
Vì được xác lập một cách rõ rang, điều răn “Ngươi không được giết người’ mang tính cấm đoán mạnh mẽ : lời cấm chỉ ra giới hạn cực độ không bao giờ có thể vượt qua. Tuy nhiên, lời cấm còn ngụ ý khuyến khích một thái độ tích cực tôn trọng tuyệt đối sự sống; lời cấm dẫn đến việc thăng tiến sự sống và tiến bộ trên con đường của một tình yêu trao ban, lãnh nhận và phục vụ.” (Thánh Gioan Phaolô II, Tin Mừng Sự Sống [Evangelium vitae], số 54)
“Lời dạy này dựa trên một nguyên tắc cơ bản: con người cá nhân là nền tảng, nguyên nhân và cùng đích của mọi định chế xã hội. Đó là điều vô cùng cần thiết, vì con người tự bản chất là những hữu thể xã hội.” (Thánh Gioan XXIII, Mẹ và Thầy [Mater et Magistra], số 219).
“Nhưng cũng có những bất bình đẳng bất công mà hàng triệu người nam và người nữ phải gánh chịu. Những bất bình đó rõ ràng là trái ngược với Tin Mừng: ‘Phẩm giá bình đẳng của các cá nhân đòi hỏi chúng ta phấn đấu cho các điều kiện sống trở nên công bằng và nhân bản hơn. Sự chênh lệch kinh tế và xã hội quá mức giữa các cá nhân và giữa các dân tộc trong cùng một nhân loại duy nhất là cớ vấp phạm và đi ngược lại với công bằng xã hội, công lý, phẩm giá nhân vị, và nền hòa bình xã hội và quốc tế’.” (Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 1938, trích dẫn từ Vui mừng và Hy vọng [Gaudium et Spes], số 29)
“Bất cứ điều gì xúc phạm đến phẩm giá con người, như điều kiện sống phi nhân bản, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kể cả những điều kiện lao động quá tồi tệ khiến cho người lao động bị đối xử hoàn toàn như những công cụ cho lợi nhuận, chứ không được coi như những con người tự do và có trách nhiệm; tất cả những điều này và những điều tương tự khác đều là những hành động đáng xấu hổ. Chúng đầu độc xã hội loài người, nhưng chúng lại gây hại cho những kẻ hành động nhiều hơn những người bị hại.” (Công đồng Vatican II, Giáo hội trong Thế giới Ngày nay [Gaudium et Spes], số 27)