Grégoire Catta SJ, Ceras, Tháng 10/2016. Mai Khôi dịch
Trước các cuộc bầu cử tổng thống vào mùa xuân sắp tới, một vài yếu tố suy nghĩ về nền tảng của giao huấn xã hội Kitô giáo. Phần thứ hai : đức tin và chính trị.
“Chính trị, một Tin Mừng” : đầu đề của một khóa họp trong mùa hè này của giới trẻ nghe như một điều kỳ dị khó tin. Trước cảnh tượng mà thế giới chính trị cống hiến cho chúng ta trong cái năm bầu cử này, liên kết chính trị với Phúc Âm (Tin Mừng) có vẻ là rất táo bạo ! Liệu còn có thể tin vào chính trị được không ? Đức tin Kitô giáo có dính dáng gì với chính trị không ? Liệu có nguy cơ mất đức tin khi dấn thân trên lãnh vực này không ? Không thể chối cãi, đó là một thách đố. Một thách đố mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể giúp chúng ta đương đầu nếu chúng ta đọc lại, hơn một năm sau khi nó ra đời, Thông điệp Laudato Si’ của ngài về sự chăm sóc cần phải mang lại cho ngôi nhà chung của chúng ta. Cần phải thực tế về những thiếu sót hiện nay của thế giới chính trị nhưng cũng phải công nhận sự cần thiết của các cơ chế chính trị. Sự bám rễ vào đức tin Kitô giáo lúc đó làm xuất hiện một số yếu tố không thể tránh được của một sự canh tân chính trị. Công ích không thể theo đuổi mà không có sự lo âu phải đối thoại, vốn là sự lắng nghe dặc biệt tiếng nói của những người bị loại bỏ. Sự theo đuổi này đòi hỏi một sự can đảm chân chính xây đắp trên một niềm hy vọng.
Những thiếu thốn
Là người thực tế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không quên nhấn mạnh những thiếu thốn và những trục trặc của nền chính trị ngày nay. Sự vỡ mộng với chính trị hiện giờ vốn đã khá phổ cập, có những nguyên nhân. Ngài ghi nhận : “Chính trị và kinh doanh phản ứng chậm chạp, còn lâu mới tương xứng với những thách đố toàn cầu” (165). Ngài nhấn mạnh rằng rất khó khăn để vượt lên khỏi những lợi nhuận riêng tư để dấn thân vào con đường của công ích. Ngài nói về “thảm kịch của tính trực tiếp chính trị” đang ngăn cản “suy nghĩ lâu dài về công ích” (178). Nhất là ngài tố cáo “sự thần phục của chính trị đối với kỹ thuật và tài chánh” và sự khống chế của điều mà ngài gọi là “mô hình kỹ trị” trên kinh tế và chính trị (109).
Sự cần thiết
Trong khi đó, những chỉ trích này không khiến được ngài từ bỏ toàn bộ chính trị. Trái lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi có một sự canh tân chính trị và nhất là ngài nhấn mạnh sự kiện hoạt động chính trị nằm ở trung tâm phải mang đến những giải đáp cho những thách đố mà thế giới đang phải đối mặt. Ngài bảo vệ vai trò của các cơ chế – bao gồm cả những cơ chế chính trị – vốn có vai trò “điều hợp các quan hệ giữa con người với nhau” và sự yếu kém hay trục trặc của chúng thường hay sinh ra những hậu quả độc hại như “sự mất tự do, bất công và bạo lực” ((142). Ngài cũng nhấn mạnh rằng “người ta không thể biện minh cho một nền kinh tế mà không có chính trị” (196) và “khung cảnh chính trị và cơ chế không phải ở đó chỉ để tránh những sự thực hiện xấu, mà còn để khuyến khích những thực hiện tốt, để kích thích óc sáng tạo, tìm ra những đường lối mới, để tạo dễ dãi cho những sáng kiến cá nhân và tập thể” (197). Sau cùng, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng tình yêu “cũng mang tính dân sự và chính trị” và rằng “tình yêu xã hội và sự dấn thân cho công ích là một hình thức xuất sắc của đức ái” (231).
Con đường canh tân được Đức Giáo Hoàng đề nghị nhập thể tốt đẹp trong ba từ ngữ : đối thoại, lắng nghe, can đảm.
Đối thoại
Toàn bộ chương 5 của sứ điệp được dành cho “những đường hướng và hành động”. Đường lối mà Đức Giáo Hoàng đề nghị là đường lối đối thoại. Một sự đối thoại ở mọi tầng cấp : quốc tế, quốc gia, địa phương; đối thoại giữa các tác nhân kinh tế, chính trị, và xã hội dân sự; đối thoại với và giữa các khoa học gia, đối thoại với và giữa các tôn giáo. Nền tảng của sự cần thiết phải đối thoại chính là sự kiện, đứng trước sự phức tạp của các vấn đề và những thách đố mà chúng ta phải đối mặt, không một ai có thể tự nhận có được một sự hiểu biết tường tận và một giải pháp chung quyết; trái lại tất cả mọi người có thể đóng góp. Đối thoại là con đường để làm cho những dị biệt của chúng ta trở thành một sự phong phú đích thực.
Trong bài diễn văn của ngài về Châu Âu, khi ngài nhận giải thưởng Charlemagne hồi tháng 5/2016 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại điều này : “Chúng ta được mời gọi hãy phát huy một nền văn hóa đối thoại qua tìm kiếm bằng mọi cách để mở ra những cấp bộ tài phán để nó có thể có được và điều này giúp cho chúng ta xây dựng lại mô thức xã hội”.
Người ta phải nhớ rằng, đối với chúng ta, là Kitô hữu, đối thoại không chỉ là một sự chọn lựa sách lược, đang trở thành cần thiết bởi sự đa nguyên của các xã hội đương đại của chúng ta và nền văn hóa dân chủ. Đối thoại được ghi khắc trong lòng của đức tin chúng ta vào một Thiên Chúa vốn có quan hệ với Ba Ngôi, một Thiên Chúa thể hiện tình yêu cứu độ của Người bằng cách đối thoại với loài người suốt trong lịch sử cứu độ. ĐGH Phaolô VI – mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất thích dựa vào – đã nói trong sứ điệp Ecclesiam suam của ngài năm 1965, về “nguồn gốc siêu việt của đối thoại vốn nằm trong chính chủ ý của Thiên Chúa” (ES 72).
Đối thoại mà Đức Giáo Hoàng nói đến không phải đơn giản là một sự trao đổi quan điểm hay đối chất ý kiến, mà là con đường dẫn đến hành động trong sự tìm kiếm công ích. “Hôm nay, khi nghĩ tới công ích, chúng ta có nhu cầu khẩn thiết là chính trị và kinh tế, đối thoại, phải nhất thiết phục vụ sự sống, đặc biệt là sự sống của con người” (178).
Lắng nghe
Đối thoại trong chính trị cũng như ở những nơi khác, phải trước hết lắng nghe và lắng nghe những người nam, nữ thường hay bị lãng quên nhất. Đức Giáo Hoàng ghi nhận một cách nghiêm khắc rằng sự lắng nghe này thường hay thiếu vắng một cách thê thảm : “Những người bị thải loại chiếm đa số trên hành tinh, hàng tỷ người. Ngày hôm nay, họ hiện diện trong các cuộc tranh luận chính trị và kinh tế quốc tế, nhưng dường như các vấn đề của họ thường hay được đặt ra như một phụ lục, khi người ta không coi các vấn đề đó như là thiệt hại thuần tuý phụ thuộc. Thực chất, vào lúc hành động cụ thể, họ thường hay bị xếp vào hạng chót. Điều này phần nào là bởi sự kiện nhiều giới chuyên gia, giới lãnh đạo dư luận, các phương tiện truyền thông và các trung tâm quyền lực được đặt để ở xa họ, trong những vùng thành thị biệt lập, không có tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề của những người bị thải loại” (49).
Trái lại, Đức Giáo Hoàng mời gọi hãy có một cuộc đối thoại trong quy trình lấy quyết định cho những dự án quy hoạch hay phát triển, một sự đối thoại trong đó “các cư dân địa phương phải có một vị trí ưu tiên” (182).
Sự lắng nghe mọi người này, nhưng đặc biệt những người ở mức thang thấp nhất và nơi những người nam nữ bị thải loại, phải chăng là cách làm của Chúa Giêsu ? Giáo Hội nhấn mạnh trong giáo huấn xã hội của mình về sự ưu tiên lựa chọn người nghèo như một nguyên tắc nền mà theo ngôn ngữ của Thánh Gioan-Phaolô II, “liên quan đến cuộc sống của mỗi người Kitô hữu, nếu họ bắt chước đời sống của Đức Kitô, nhưng cũng thích hợp với những trách nhiệm xã hội của chúng ta và như thế, với cách sống của chúng ta, với những quyết định mà chúng ta phải lấy một cách xuyên suốt về chủ đề quyền tư hữu và về việc sử dụng của cải” (Sollicitudo rei socialis 42).
Can đảm
Chính trị, phục vụ công ích, được dự kiến theo những gì vừa được nói ở trên đây, kêu gọi con người nam nữ hãy dấn thân với lòng can đảm. Lắng nghe những kẻ bị thải loại, những kẻ trần trụi nhất, sẽ không làm được mà không dấn thân vào những tương quan lực lượng và các trận đấu. Đức Giáo Hoàng dựng lên một hình ảnh đầy ấn tượng : “Nếu một chính trị gia đảm đương các trách nhiệm này với những cái giá phải trả, mà không đáp ứng với cái lôgic của sự hữu hiệu tức khắc của kinh tế cũng như của nền chính trị hiện tại; nhưng nếu người này dám làm, điều đó sẽ dẫn ông ta đến việc công nhận phẩm giá mà Thiên Chúa ban cho ông với tư cách là con người, và ông ta sẽ để lại trong lịch sử một chứng tích của một tinh thần trách nhiệm rộng lượng. Phải dành môt chỗ xứng đáng cho một nền chính trị lành mạnh, có khả năng canh tân, phối hợp các cơ chế và trang bị cho chúng những kinh nghiệm tốt nhất để có thể vượt thắng những sức ép và các trì lực thất thường” (181). “
Thật là một chân dung gây ấn tượng và có thể khiến người ta sợ hãi nếu không gắn liền nó ngay với thông điệp hy vọng qua đó Đức Giáo Hoàng kết luận sứ điệp : “Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta hãy mạnh dạn dấn thân, và hãy cống hiến tất cả, ban cho chúng ta sức mạnh cũng như sự soi sáng mà chúng ta cần để tiến lên phía trước. Giữa thế gian này, Chúa sự sống là Đấng rất yêu thương chúng ta, tiếp tục hiện diện. Người không bỏ chúng ta, Người không để chúng ta cô đơn” (245).
Can đảm để không bao giờ từ chối đối thoại, vốn là sự tích cực lắng nghe những người bị bỏ quên. Đây là một chương trình cho một năm bầu cử : không chỉ cho những người nam, nữ cần được phiếu bầu, mà còn cho tất cả chúng ta được kêu gọi dấn thân như các công dân khi thực hành quyền đi bầu của chúng ta.
http://www.doctrine-sociale-catholique.fr/index.php?id=8167