Thông điệp Laudato Si’ – giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về môi trường

Hoàng Kim Khánh

Tiếp nối những suy tư, lo âu của các Giáo hoàng tiền nhiệm về môi trường, đương kim Giáo hoàng Phanxicô viết Thông điệp Laudato si’ – Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Thông điệp này viết xong tại Rôma, ngày 24/5/2015 và được Tòa Thánh Vatican công bố ngày 18/6/2015. Đây là văn kiện đầu tiên của Giáo Hội đề cập đến vấn đề môi trường cách rõ ràng và hệ thống trên nền tảng khoa học và niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng tạo thành vũ trụ. Thông điệp không dừng lại ở “đặt vấn đề” mà đưa ra những phương thế giải quyết, và lời mời gọi mọi người cộng tác vào việc chăm sóc ngôi nhà chung – hành tinh chúng ta đang sinh sống.

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn giới thiệu với quí độc giả tổng quan về Thông điệp Laudato si’ và những đặc điểm của nó để nó được xem là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về các vấn đề xã hội như mong ước của chính tác giả thông điệp (15) [1].

I. Tổng quan Thông điệp Laudato si’. [2]

“Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”. Câu hỏi này chính là trọng tâm Thông điệp Laudato si’.

Thánh Phanxicô Assisi trong bài ca của các thụ tạo đã nhắc nhớ rằng Trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ”. Vì chúng ta là đất [3], chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của Trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở, và nước của Trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng (2).

Giờ đây, Trái đất, bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than và những tiếng than trách của Trái đất đang hòa cùng với những tiếng rên xiết của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới này (2). Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta lắng nghe họ, kêu gọi tất cả và từng người, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để chăm sóc ngôi nhà chung.

Thông điệp làm nổi bật và gửi đến tất cả mọi người một sứ điệp rõ ràng và đầy hy vọng: Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng lại căn nhà chung của chúng ta; và đối thoại là một phương thế giải quyết các vấn đề.

Nội dung Thông điệp được khai triển trong 6 chương.

Thông điệp nêu rõ những thách thức về môi trường mà nhân loại phải giải quyết dựa trên những phân tích khoa học (Chương I: Điều đang xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta, từ số 17 đến 61); đối chiếu với Kinh Thánh và truyền thống Do thái – Kitô (Chương II: Tin Mừng về sáng tạo, từ số 62 đến 100); nêu rõ căn cội của các vấn đề (Chương III: Nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái, từ số 101 đến 136) trong thời đại kỹ thuật làm chủ.

Chủ trương của Thông điệp (Chương IV: Sinh thái học toàn diện, từ số 137 đến 162) là một nền môi sinh học toàn diện, bao gồm các chiều kích nhân bản và xã hội, gắn chặt với vấn đề môi trường. Trong viễn tượng ấy, Giáo hoàng Phanxicô đề nghị (Chương V: Đường hướng tiếp cận và đồng hành, từ số 163 đến 201) khởi sự một cuộc đối thoại chân thành trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, và nhắc nhở (Chương VI: Giáo dục và linh đạo sinh thái, từ số 202 đến 246) rằng không dự phóng nào có thể hữu hiệu nếu không được linh hoạt nhờ một lương tâm được huấn luyện và có tinh thần trách nhiệm.

Thông điệp được kết thúc với hai lời cầu nguyện: một cho Trái đất, hai cho mọi người trong sự hiệp nhất với thụ tạo.

II. Một số đặc điểm của Thông điệp Laudato si’. [4]

Đọc Thông điệp Laudato si’ của Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta dễ nhận ra những đặc điểm sau đây của văn kiện này.

1. Thông điệp Laudato si’ là sự đáp trả các “dấu chỉ thời đại”.

Những tình trạng: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, đánh mất sự đa dạng sinh học, suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái xã hội, sự bất bình đẳng toàn cầu, … đang diễn ra trên hành tinh chúng ta đang sinh sống – được xem như những “dấu chỉ thời đại”, phải giải quyết nếu nhân loại muốn tồn tại.

Môi trường thiên nhiên đang chịu sự hư hoại nặng nề do hành vi thiếu trách nhiệm của  chúng ta, và môi sinh ngày càng tồi tệ cũng do chính con người gây ra nên trong niềm hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi (13) Giáo hoàng Phanxicô khẩn thiết kêu gọi một cuộc đối thoại mới giữa các cộng đồng quốc gia, quốc tế về cách thế hình thành nên tương lai của hành tinh chúng ta (14).

Đó là điều mới mẻ, và là lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội, có một thông điệp, thông điệp dài nhất, hoàn toàn dành cho đề tài môi trường. Quả thật thông điệp Laudato si’ là sự đáp trả hợp thời các “dấu chỉ thời đại”.

2. Thông điệp Laudato si’ bén rễ trong Kinh Thánh.

Thánh kinh ghi rõ, sau khi Thiên Chúa tạo dựng trái đất, và muôn loài sinh vật, Ngài tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và giao cho con người quản lý công trình được tạo dựng cách tốt đẹp của Ngài [5]. Theo các trình thuật trong sách Sáng Thế thì Trái đất và những gì có trên nó là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, con người không phải là chủ nhân; và quản lý là chăm sóc, gìn giữ, sử dụng hợp lý sao cho nó ngày một tốt đẹp hơn; đồng thời gợi ý rằng, cuộc sống con người dựa trên ba mối tương quan căn bản, có liên hệ mật thiết với nhau: Tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với Trái đất.

Trong Laudato si’: Ba mối tương quan này đã bị phá vỡ cả bên ngoài lẫn bên trong do con người muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa và khước từ nhìn nhận những giới hạn thụ tạo của mình dẫn đến tình trạng môi trường, môi sinh bị tàn phá, suy thoái (số 66); người giàu người nghèo đều có cùng phẩm giá vì mọi người đều được Thiên Chúa tạo dựng (số 84) nên được hưởng các lợi ích từ môi trường và đều có cùng trách nhiệm như mọi người trong việc bảo vệ môi trường (số 95).

3. Thông điệp Laudato si’ tiếp nối huấn quyền Giáo hội

Huấn quyền là quyền giảng dạy về mặt giáo thuyết, đó là nhiệm vụ được Chúa Giêsu giao cho các Tông đồ. Và nhân danh Ngài mà Giáo Hội ngày nay nhìn nhận quyền này cho các giám mục và giáo hoàng, cũng như cho những người mà giáo hoàng và các giám mục ủy quyền [6].

Vấn đề môi trường đã được các giáo hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô đề cập bằng cách này hay cách khác; bắt đầu là Giáo hoàng Phaolô VI, ngài đã cảnh báo, do việc khai thác thiên nhiên cách vô tội vạ, con người có nguy cơ hủy diệt thiên nhiên và chính mình trở thành nạn nhân của sự tàn phá này [7].

Tiếp theo, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp đầu tiên của mình đã viết, con người thường chỉ nhìn môi sinh tự nhiên như một vật dụng để dùng và tiêu thụ ngay [8]. Trong Thông điệp Centesimus Annus – Bách Chu Niên, nhân kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum (ngày 01/5/1991), số 38 ngài mời gọi thế giới hãy làm một cuộc hoán cải môi sinh, và cho rằng, con người dấn thân quá ít cho việc bảo tồn những điều kiện luân lý cho một “môi sinh nhân bản”, và số 58 ngài khẳng định mọi nỗ lực bảo vệ và làm đẹp thế giới chỉ có thể thực hiện, khi chúng ta đổi mới cách sống, cách sản xuất và tiêu thụ, và các cơ cấu quyền lực của xã hội.  

Đến Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong buổi gặp gỡ Ngoại giao đoàn tại Vatican, ngày 08/01/2007, ngài đề nghị, loại bỏ những nguyên nhân mang tính cơ cấu của những rối loạn kinh tế thế giới và chỉnh đốn lại những mô hình phát triển không có khả năng đảm bảo sự tôn trọng dành cho môi trường (6). Đức Bênêđictô XVI cho rằng, không thể phân tích thế giới bằng việc tách biệt chỉ một trong những khía cạnh của nó, bởi lẽ “cuốn sách thiên nhiên” là một và bất khả phân ly. Như thế, suy thoái thiên nhiên gắn liền với nền văn hóa hình thành nên sự chung sống của con người [9]. Phát biểu tại Bundestag, Berlin, ngày 22/9/2011, ngài mời gọi mọi người nhận biết rằng môi trường thiên nhiên đang chịu sự hư hoại nặng nề do hành vi thiếu trách nhiệm của chúng ta.

Ngoài ra, tác giả đã dành hai số 8 và 9 trong thông điệp để trình bày một vài trực giác sinh thái của Đức Thượng phụ Bartôlômêô như khái niệm về “tội sinh thái”, sự cần thiết phải “thống hối”, … Đức Phanxicô nhìn nhận sự lạm dụng vật thụ tạo là một tội chống lại nhân loại và chống lại Đấng Tạo hóa (8). Và nói đến những tuyên ngôn của các Hội Đồng Giám Mục khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây liên quan đến sự tàn phá sinh thái và tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên.

Những vấn đề liên quan đến môi trường được Giáo hoàng Phanxicô trình bày trong Thông điệp Lautato si’ thể hiện sự tiếp nối huấn quyền Giáo Hội về môi trường.

4. Thông điệp Laudato si’ quan tâm đến thiện ích chung.

Trong văn kiện này, Giáo hoàng Phanxicô khẳng định, mọi tài nguyên dành cho mọi người, và nhằm đến lợi ích của mọi người, vì “Thiên Chúa đã ban Trái đất cho loài người để nuôi dưỡng tất cả mọi phần tử, không loại trừ hoặc ưu đãi ai hết [10] (93).

Đức Phanxicô phác họa một viễn tượng kinh tế và chính trị cho ngôi nhà chung là chính trị và kinh tế phải phục vụ thiện ích chung, và cách riêng là sự sống con người.

Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng sinh thái, kinh tế học cần được hiểu là nghệ thuật và khoa học quản trị ngôi nhà chung của chúng ta. Các lý thuyết kinh tế hiện hành về thị trường tự do thì không thích hợp cho việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta; môi trường là một trong những tài sản mà ta không thể bảo tồn hoặc thăng tiến bằng các định luật thị trường (190); một phát triển kinh tế và kỹ thuật không làm thế giới tốt đẹp hơn và cuộc sống có phẩm chất hơn thì không thể gọi là phát triển (194).

Kinh tế học mới được hiểu như là nghệ thuật quản trị ngôi nhà chung thì một nền văn hóa về chính trị cũng rất quan trọng. Nếu các công dân không được quyền kiểm soát quyền hành chính trị thì không thể nào có thể kiểm soát sự tổn thất cho môi sinh (179). Đức Phanxicô cho rằng, các chính sách hiện nay thường thiếu tầm nhìn dài hạn về bảo vệ môi trường, vì thường bị thu hút bởi khuynh hướng tiêu dùng để hưởng thụ tức khắc (184) và điều này không cổ vũ những chính sách dài hạn cho việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài kêu gọi: Xã hội xét như một toàn thể, và cách riêng là Nhà nước, có nghĩa vụ phải bảo vệ và thăng tiến thiện ích chung (157); một ý thức trách nhiệm lớn hơn về thiện ích chung từ phía những người nắm giữ quyền bính (196); đưa kế hoạch dài hạn về môi sinh vào trong kế hoạch hành động của các chính phủ (178).

Khái niệm thiện ích chung còn tính đến các thế hệ tương lai nữa, không thể nào nói đến sự phát triển bền vững mà không bao gồm tình liên đới giữa các thế hệ (159).

Cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay mang tính toàn cầu, nên cần có một thẩm quyền thế giới hữu hiệu (175), một hiệp định và một cơ quan điều phối toàn bộ những thiện ích chung toàn cầu (174), Giáo hoàng Phanxicô đề nghị.

5. Thông điệp Laudato si’ đề cập đến Sinh thái nhân bản và quan tâm đến nhân phẩm.   

Sinh thái nhân bản hoặc “môi trường nhân sinh – human ecology”cần được bảo vệ bằng mọi cách, không để cho nó bị tiêu diệt vì Thiên Chúa đã ký thác thế giới cho chúng ta, và còn vì đời sống con người tự nó là một quà tặng (5).

Khi khảo sát những “cội rễ nhân bản” của cuộc khủng hoảng sinh thái, Đức Phanxicô ghi nhận rằng những cội rễ này có liên hệ đến một vũ trụ quan, một lối quan niệm về thế giới thiên nhiên và tương quan với nó, ngài gọi là “mô hình kỹ trị thống trị” (101).

Việc toàn cầu hóa “mô hình kỹ trị’ đang thống trị những lãnh vực khác nhau của cuộc sống, nó quyết định hình thức xã hội nào sẽ được hình thành (107). Cuộc sống nhân loại đang trên đà phó mặc cho các hoàn cảnh do kỹ thuật chi phối (110).

Tâm điểm của mô hình kỹ trị là quan niệm lấy con người làm trọng tâm, theo đó cá nhân được suy tôn lên trên tất cả mọi vật. Một quan điểm lệch lạc về con người và về tương quan giữa con người với thế giới (116) mà Giáo hoàng Phanxicô cảnh báo, sẽ gây tổn hại cho chính con người vì “không những Thiên Chúa đã trao cho con người Trái đất để họ sử dụng dựa trên đường hướng sự thiện nguyên khởi được Thiên Chúa phú ban nơi họ, mà ngay chính con người cũng là một quà tặng cho con người. Vì thế họ phải quý trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý đã được Chúa cài sẵn nơi mình” [11] (115).

Theo tác giả thông điệp, không thể đổi mới tương quan của chúng ta với thiên nhiên mà không đổi mới chính nhân loại… Không có một môi sinh luận nào mà không có một nhân luận tương xứng (118). Sinh thái nhân bản hàm ngụ mối tương quan giữa đời sống con người với luật luân lý, được ghi khắc vào bản tính của chúng ta và cần thiết để tạo ra một môi trường xứng đáng hơn (155).

Sinh thái nhân bản toàn diện dựa trên sự tôn trọng nhân vị, với những quyền lợi căn bản và bất khả nhượng, hướng đến sự phát triển toàn diện (157).

6. Thông điệp Laudato si’ ưu tiên chọn lựa những người nghèo.

Ngay trong nhập đề của thông điệp, tác giả đã nói đến mối tương quan chặt chẽ giữa người nghèo và tình trạng mong manh của Trái đất, và điều này cũng được nhắc đến trong đoạn cuối của thông điệp (240).

Trong chương thứ nhất, sau khi mô tả tình trạng báo động của ngôi nhà chung, của người nghèo (45), Giáo hoàng Phanxicô chỉ ra: sự hủy hoại môi trường và xã hội ảnh hưởng hơn cả đến các thành phần vốn đã bị thiệt thòi (48), nhưng trong các hội nghị về môi trường, về xây dựng các kế hoạch, … ít khi người ta để ý đến những vấn đề liên quan đến thành phần bị bỏ rơi này (49).

Đức Phanxicô bác bỏ lập luận đổ lỗi cho sự tăng gia dân số tại các nước đang phát triển gây nên tình trạng suy thoái môi trường thay vì do thói tiêu thụ chọn lọc và thái quá của những người giàu.

Một trong những đóng góp của thông điệp là nối kết những quan tâm đến địa cầu với những quan tâm đối với người nghèo. Đây là một khúc ngoặt trong việc chăm sóc thụ tạo.

7. Thông điệp Laudato si đề cập đến Sinh thái toàn diện và Phát triển con người toàn diện.

Đức Phanxicônhắc nhở, chúng ta đang đối diện không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một bên là sinh thái một bên là xã hội, nhưng là một cuộc khủng hoảng phức tạp vừa là xã hội vừa là sinh thái (139) và đề nghị, chúng ta xét tới một môi sinh luận toàn diện (integral ecology), biết tôn trọng các chiều kích nhân sinh và xã hội(137).

Theo Giáo hoàng Phanxicô, mọi sự đều có liên hệ, và chúng ta là những con người được hiệp nhất với nhau như anh em trên cuộc lữ hành kỳ diệu, đan đệt với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo, và tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta trong tình cảm trìu mến với anh mặt trời, chị mặt trăng, anh sông và mẹ đất (92). Do đó, để canh tân sinh thái, điều căn bản là nhân loại phải khôi phục tình hiệp thông với mọi thụ tạo.

Trong quá khứ, vấn đề sinh thái thường chỉ được giới hạn vào môi trường ở bên ngoài, tìm cách bảo vệ những loài động vật hiếm, hoặc hồi phục các hệ sinh thái cổ truyền. Thông điệp này nhắc nhở chúng ta, sinh thái bao gồm các chiều kích nhân bản và xã hội – sinh thái toàn diện.

Trong khung cảnh của sinh thái toàn diện, việc bảo vệ thế giới tự nhiên được liên kết chặt chẽ với các khía cạnh của đời sống con người. Vì vậy, sinh thái toàn diện đòi hỏi sự phát triển con người toàn diện bao gồm những chiều kích khác nhau của đời sống, gồm cả chiều kích sinh học, xã hội, văn hóa, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, và tôn giáo. Sinh thái toàn diện mở cửa cho đời sống sung mãn mà mỗi người đều được mời gọi đến.

III. Tạm kết.

Giáo huấn về các vấn đề xã hội của Giáo Hội Công Giáo gọi tắt là Giáo huấn Xã hội Công Giáo là một sự trình bày chính xác những thành quả suy tư về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của sự trình bày này là lý giải các thực tại ấy, xác định xem chúng có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin Mừng liên quan đến con người và thiên chức của con người; để hướng dẫn người Kitô hữu biết cách cư xử đúng với thực tế [12].

Thật ra, nó là một “tập hợp” giáo lý liên quan đến các vấn đề xã hội. Trong lúc quan tâm đến con người sống trong xã hội, Giáo Hội đã tích lũy được một kho tàng giáo lý phong phú. Kho tàng này bắt nguồn từ Kinh Thánh, và từ các văn kiện của các Thánh Tông đồ, được dày công xây dựng và phát triển dần dần theo nhu cầu của các giai đoạn lịch sử. Gia sản truyền thống này sau đó được kế thừa và khai triển bằng giáo huấn của các giáo hoàng về các vấn đề xã hội, khởi sự với thông điệp Rerum Novarum – Các Sự Việc Mới, của Giáo hoàng Lêô XIII, công bố ngày 15/5/1891 [13].

Hiểu như trên, và đối chiếu với các đặc điểm của Thông điệp Lautato si’, quả thật, thông điệp này của Đương kim Giáo hoàng Phanxicô là giáo huấn xã hội của Giáo Hội – hướng dẫn người Kitô hữu dấn thân vào công cuộc bảo vệ môi trường.

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô” [14].

(Bài viết do tác giả trực tiếp gửi cho giaohuanxahoi.com)

Chú thích:

[1]. Những số ghi trong ngoặc đơn (..) là số thú tự của đoạn văn trong Thông điệp Laudato si’.

[2]. Bản tóm lược chính thức Thông điệp Laudato si’ của Hội Đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Bản dịch của linh mục Trần Đức Anh OP.  http://ghxhcg.com/article.aspx?id=3062 

[3]. Thánh kinh: Sách Sáng Thế, Chương 2, câu 7. (St 2,7)

[4]. Đóng góp của Thông điệp Laudato si’ vào Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, nguồn: catechesis.net ngày 16/5/2022  http://www.humandevelopment.va/it/risorse/interventi/2017/the-contribution-of-laudato-si–to-catholic-social-doctrine–23-.html
[5]. Sách Sáng Thế, Chương I, từ câu 1 đến câu 28 (St.1-28).

[6]. https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/02/28/tim-hieu-huan-quyen-cua-giao-hoi/

[7]. Giáo hoàng Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens – Bát thập niên, Kỷ niệm 80 năm Thông điệp Rerum Novarum, ngày 14/5/1971, số 21.

[8]. Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Con người, 1979, số 15.

[9]. Giáo hoàng Bênêđicto XVI, Thông điệp Caritas in Veritate – Bác Ái trong Chân Lý, ngày 29/6/2009, số 51.

[10]. Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Bách Chu niên, Kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum, ngày 01/5/1991, số 31

[11]. Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Bách Chu niên, Kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum, ngày 01/5/1991, số 38

[12]. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, NBX Tôn Giáo, số 72). 

[13]. Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens – Lao Động của con người, ngày 14/9/1981, số 3. [14]. Công đông Vaticano II, Hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, 07/12/1965, số 1.