Các chuyên gia đã tập trung tại Vatican để thảo luận các hệ quả mang tính đạo đức và nhân học của AI (Artificial Intelligence), nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý và sử dụng dữ liệu có trách nhiệm.
Sau khi sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố nhân Ngày Truyền thông Thế giới vào tháng trước, một hội nghị mang tên “Thuật toán phục vụ nhân loại. Truyền thông trong thời đại AI” đã diễn ra tại Vatican vào thứ Năm ngày 27 tháng 6, quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực AI và truyền thông để so sánh các ý tưởng và thảo luận những quan ngại về vấn đề này.
Chất vấn về ranh giới đạo đức của AI
Tại Casina Pio IV [trụ sở của Hàn lâm viện Khoa học và Khoa học Xã hội của Tòa Thánh], hội nghị đã giải quyết các câu hỏi mà Tiến sĩ Paolo Ruffini – bộ trưởng Bộ Truyền thông- đã nêu ra trong bài phát biểu khai mạc. Ông ấy hỏi: “Trí tuệ nhân tạo sẽ chuyển mọi thứ thành phép tính, nhưng liệu chúng ta có thể giảm thiểu mọi thứ trở thành những bài toán thống kê hay không? Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ các chuyên gia và người lao động trong giới truyền thông khi có sự xuất hiện của AI và duy trì quyền thông tin và được cung cấp thông tin trên cơ sở sự thật, tự do và trách nhiệm? Làm cách nào chúng ta có thể tạo ra các nền tảng lớn đầu tư vào AI tổng hợp có khả năng tương tác để chúng không giảm thiểu con người trở thành kho dữ liệu để khai thác?”
Nhắc lại những giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Chào đón những người tham gia cùng với Tiến sĩ Paolo Ruffini là Cha Lucio Ruiz, Thư ký Bộ Truyền thông, người đã nhấn mạnh một số điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói liên quan đến chủ đề AI. Ngài nhấn mạnh rằng những can thiệp của Đức Thánh Cha về AI thể hiện “trực giác” của Giáo hội trong việc đồng hành cùng nhân loại thông qua những thay đổi về văn hóa và lịch sử. Ngài giải thích rằng đây cũng là trường hợp xảy ra cách đây 500 năm, khi nhà in Vatican đầu tiên được hình thành – ngay sau phát minh của Gutenberg. Tương tự như vậy, điều đó đã được chứng minh bằng việc xây dựng Đài phát thanh Vatican bởi chính người phát minh ra phương tiện phát thanh vô tuyến, Guglielmo Marconi, vào năm 1931. Và một ví dụ khác, ông nói thêm, là việc tạo ra cổng thông tin trưc tuyến vatican.va vào năm 1994, khi trang web chỉ vừa mới ra đời, bắt đầu xuất hiện trên máy tính của mọi người.
Ranh giới đạo đức của các thuật toán AI
Người tiếp theo phát biểu là cha Paolo Benanti, giáo sư đạo đức và đạo đức sinh học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian, chủ tịch Ủy ban Thông tin về AI và thành viên Ủy ban AI thuộc Liên Hiệp Quốc. Ngài đã mở đầu cuộc thảo luận đầu tiên trong hai thảo luận về “Đạo đức của thuật toán và những thách thức đối với thông tin liên lạc”. Cha Benanti bắt đầu bằng cách nhấn mạnh bản chất cơ bản của máy tính, đó là việc thực hiện các phép tính. Cha Benanti nhớ lại việc phát minh ra bóng bán dẫn, được Hoa Kỳ cung cấp cho các đồng minh sau thành công của Thế chiến thứ II, đã thay đổi thực tế cuộc sống như thế nào. Các nguyên mẫu máy tính đầu tiên đã góp phần phát minh ra bom nguyên tử và giải mã các mật mã bí mật được Đức Quốc xã sử dụng. Từ tầm nhìn tập trung về công nghệ và thông qua cuộc cách mạng do những người tiên phong tại Thung lũng Silicon dẫn đầu vào những năm 1970, ngài lưu ý rằng cuối cùng chúng ta đã đạt đến khả năng tính toán mang tính “riêng tư – cá vị” và thân mật, đầu tiên là thông qua các máy tính cá nhân và sau đó là điện thoại thông minh. Với ChatGPT và việc triển khai nó trong giao diện điện thoại của Apple và Microsoft, ngài nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn chưa biết bao nhiêu sức mạnh tính toán sẽ thuộc về cá nhân và bao nhiêu sẽ được tập trung trên ‘đám mây’dữ liệu. Do đó, ngài nói rằng “quy định là cần thiết”, như Liên minh Châu Âu đã làm, để quản lý trí tuệ nhân tạo giống như cách luật giao thông đã được thiết lập cho xe cộ.
Cuộc cách mạng về nhân học
Cùng phát biểu tại hội nghị còn có bà Nunzia Ciardi, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan An ninh mạng Quốc gia. Bà cho rằng trí tuệ nhân tạo bản thân nó không phải là một bước nhảy vọt công nghệ ấn tượng. Bà giải thích thêm, việc triển khai nó để trở thành một thứ gì đó mang tính nhân học quyết định đối với thực tế đời sống con người đó là nó dựa vào một lượng dữ liệu khổng lồ được các công ty thu thập một cách “tàn bạo” trong nhiều thập kỷ thông qua các dịch vụ hoặc ứng dụng miễn phí, đã trở nên thiết yếu đối với chúng ta. Bà Ciardi nhấn mạnh các khía cạnh khác, chẳng hạn như việc sử dụng tiếng Anh để huấn luyện các thuật toán – với tất cả các giá trị và biểu đạt văn hóa mà một ngôn ngữ này mang lại so với ngôn ngữ khác – và nguy cơ ngày càng gặp khó khăn trong việc giải mã các thông điệp phức tạp, có thể gây nguy hiểm trong một nền dân chủ.
Ông Mario Rasetti, Giáo sư danh dự Vật lý lý thuyết tại Đại học Bách khoa Turin và Chủ tịch Hội đồng Khoa học của CENTAI, cũng phát biểu tại hội nghị. Ông nhận xét rằng “kiến thức đang trở thành tài sản riêng”, ông kể lại trải nghiệm về AI nguồn mở, khởi đầu vốn là một tổ chức phi lợi nhuận của các nhà khoa học và được Microsoft mua lại với giá 10 tỷ USD. Rasetti nói thêm rằng chúng ta phải biến Trí tuệ nhân tạo thành một ngành khoa học với những định nghĩa chặt chẽ bởi vì, ở trạng thái hiện tại, nó thể hiện như một công cụ mang tính xác suất, nó khó có thể đo lường được trí thông minh, sự thật và quan hệ nhân quả.
Tác giả: Michele Raviart and Francesca Merlo
Aquarius dịch
Nguồn: Vaticannews.va