Từ thế kỷ thứ XIX, luận văn xã hội của Giáo hội đã phát triển sau những xáo trộn mà Châu Âu đã trải qua, rồi được xác định có quan hệ với những tình huống lịch sử. Những tài liệu giảng dạy của Giáo hội được công bố bởi các vị Giáo Hoàng kể từ Rerum novarum (1891) làm thành giáo huấn xã hội của Giáo hội (GHXHGH) xuyên qua một lịch sử mà những giai đoạn chính đã được vạch sẵn.
Tôn giáo của Thiên Chúa nhập thể, Kitô Giáo là tôn giáo trái ngược với mọi hình thức nhị nguyên thường tách biệt các thực tế tâm linh khỏi những thực tế thế gian. Như vậy, từ nguyên thủy, các Kitô hữu tự vấn về những hệ lụy và những đòi hỏi cụ thể đối với đức tin của họ. Vào thế kỷ thứ XIX, những biến động sâu sắc tràn qua châu Âu và phục hồi lại việc soạn thảo bởi các Kitô hữu luận văn xã hội của Giáo hội. Các luận văn này đã được Huấn quyền diễn giải qua các ấn phẩm, và từ đó, hình thành nên giáo huấn hay học thuyết xã hội của Giáo hội.
Từ Đức giáo hoàng Lê-ô XIII đến Công Đồng Vaticanô II
Những người Công giáo tự do và mang tính xã hội
Vào đầu thế kỷ XIX, những người Công Giáo tự do, như linh mục Lacordaire và giáo sư Montalembert, công nhận vị trí trung tâm của quyền tự do trong Kitô giáo và tìm cách vượt lên trên sự đối nghịch giữa Giáo hội và Nhà nước thời kỳ hậu cách mạng. Những định hướng của họ đã bị Huấn quyền kết án cho đến khi tính chính đáng của họ được công nhận tại Công Đồng Vaticanô II. Trên bình diện kinh tế và xã hội, nhiều kitô hữu như giáo sư Frédéric Ozanam, ông Albert de Mun, ông Léon Harmel ở Pháp ; Đức Giám Mục Mayence Ketteler ở Đức ; Đức Cha Manning, tổng giám mục Westminster ở Anh hay Đức Cha Gibbons, tổng giám mục Baltimore ở Hoa Kỳ đã cảm thấy lo âu vì cuộc cách mạng công nghiệp. Họ đã góp phần hình thành trào lưu « Công giáo xã hội ». Trào lưu này, ngoài những thực hiện cụ thể, đã lập lại luận văn xã hội của Giáo hội. Những ý kiến tiên phong của họ, từ lâu bị chống đối, cuối cùng đã được chính ĐGH Lê-ô XIII lấy lại trong thông điệp Rerum novarum.
Các thông điệp chính trị của ĐGH Lê-ô XIII
Được bầu lên ngôi Giáo hoàng năm 1878, Đức Lê-ô XIII thừa kế một Giáo hội bị lao đao bởi sự mất đi các vùng lãnh thổ thuộc Giáo hoàng (1870). Sau một thế kỷ đối lập với Nhà nước hậu cách mạng, Giáo hội bị mất đi quyền lực trần thế và bị đặt trong một mối quan hệ mới đối với các Nhà nước. Vẫn ở trong khuôn khổ những quan hệ tôn ti giữa tôn giáo và chính trị, gắn liền với quyền tối thượng trên mặt tâm linh và trần thế, ĐGH Lê-ô XIII khai triển những tư tưởng tiên phong rất đỗi sắc bén và đặc biệt căng thẳng với khung cảnh tư tưởng của ngài. Ngài công nhận vị trí của tự do trong hành vi đức tin và như vậy trong sự cần thiết Nhà nước phải khoan dung với những tín ngưỡng khác ngoài « tôn giáo đích thực » (Immortale Dei, 1885) ; ngài công nhận quyền tự do của con người như là nền móng của phẩm giá con người ; ngài đã gắn kết mối quan hệ giữa tự do và chân lý mà lý trí nhận thức được, tuy nhiên không vì thế mà chấp nhận sự sai lầm nhân danh tự do : « Cái thật, cái tốt, người ta có quyền phổ biến… ; nhưng những chủ thuyết gian dối,… những thói hư tật xấu…, thật là chính đáng khi nhà cầm quyền ra sức trừng trị đến nơi đến chốn » (Libertas praestantissimum, 1888) ; sau cùng, ngài nhấn mạnh thẩm quyền riêng của giáo lý Kitô giáo : « Đưa ra ánh sáng, thẩm quyền này có đủ sức mạnh để chiến thắng sai lầm » (Sapientia christianae, 1890, §22). Người ta tìm thấy trong các văn kiện này những biểu lộ mầm mống của những suy tư cơ bản về mối quan hệ của tự do với chân lý, và về vị trí của Giáo hội trong thế giới và đối với các quyền lực chính trị.
Không còn trực tiếp tác động đến xã hội và quyền lực chính trị, ĐGH chỉ còn thực thi quyền lực của mình bằng cách đề nghị suy tư của mình và người ta chỉ đón nhận khi nhận thấy chân lý ở trong đó.
ĐGH Lê-ô XIII : Rerum novarum (1891)
Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm xuất hiện một giai cấp xã hội mới sống nhờ vào lao động được trả lương của họ. Pháp chế xã hội phôi thai, sự cấm đoán các hội đoàn, và một chủ nghĩa tự do lý thuyết cho rằng kinh tế bị chi phối bởi những quy luật riêng của nó, tất cả những thứ đó được biểu lộ bởi một tình hình khốn cùng bi thảm của giới công nhân. Ngoài ra, những tư duy xã hội chủ nghĩa được triển khai nhanh chóng và đặt ra vấn đề quyền tư hữu. Bận tâm sâu sắc bởi tình hình này, ĐGH Lê-ô XIII công bố Rerum novarum, thông điệp thứ nhất dành cho những vấn đề xã hội mà Châu Âu đương đầu vào giai đoạn đó.
Trong thông điệp, ngài đã tố cáo những tư tưởng « xã hội chủ nghĩa » và bênh vực cho quyền tư hữu trong lúc chỉ thị sử dụng các của cải tư hữu cho công ích : giải phóng con người khỏi sự bấp bênh, quyền tư hữu là điều kiện của một sự tự do đích thực. ĐGH cũng tố cáo sự quá trớn của chủ nghĩa tự do và bào chữa cho sự can thiệp của Nhà nước trong kinh tế. Trong thông điệp, ngài đã bảo vệ đồng lương chính đáng, quyền được lập các hiệp hội nghề nghiệp, sự cần thiết phải điều chỉnh những điều kiện lao động của trẻ em và phụ nữ, nghỉ việc ngày chúa nhật… nhiều điểm dùng lại trong luật pháp xã hội đã được trở thành hiện thực vào thời điểm đó. Một cách cơ bản, lập luận của ngài nhằm đánh thức lương tâm những người cùng thời và mở đường cho một trật tự xã hội vượt khỏi sự đối đầu giai cấp, và cho phép thiết lập xã hội trong sự hòa hợp và sự hài hòa.
Thông điệp này làm nổi bật những vấn đề đạo đức gắn liền với khu vực kinh tế và thết lập quyền chính thống của Giáo hội để tuyên bố về những vấn đề xã hội. Thông điệp cũng đặt Giáo hội vào vị trí phê phán đối với chủ nghĩa xã hội tập thể hóa và chủ nghĩa tự do cá nhân, vị trí sẽ không thay đổi trong toàn bộ GHXHGH. Cụ thể, thông điệp thúc đẩy đạo Công giáo xã hội : sự phát triển của công đoàn Kitô giáo, việc tổ chức những Tuần Lễ Xã Hội ở Pháp (1904), ở Tây Ban Nha (1906, ở Ý (1907) ở Canada (1920), sự xây dựng Xã Hội Tiến Hành (ông tổ của CERAS – Trung tâm nghiên cứu và hành động xã hội) bởi linh mục Henri-Joseph Leroy (1903),…Rerum novarum là tài liệu tham khảo cho các đấng kê vị kế của Đức Lê-ô XIII, là những người sẽ cập nhật suy tư vào những ngày mừng kỷ niệm sự ra đời của bức thông điệp này.
ĐGH Piô XI : Quadragesimo anno (1931)
Như thế, 40 năm sau, ĐGH Piô XI công bố bản thông điệp thứ hai cũng về những vấn đề này : Quadragesimo anno. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và sau một cuộc chiến tranh để lộ ra tính hai mặt của những tiến bộ kỹ thuật (súng đại liên, hơi ngạt chiến đấu, tàu ngầm, …), ĐGH đã đào sâu những suy nghĩ của ĐGH Lê-ô XIII. Dựa trên những công trình của linh mục Oswald Nell-Breuning, ngài đã phân tách những bộ máy kinh tế và những thể chế của xã hội để làm nổi bật các nguyên nhân của những tình huống mà đôi khi ngài tố cáo một cách cứng rắn tối đa.
Cũng giống như ĐGH Lê-ô XIII, ngài bác bỏ cả chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa tự do kinh tế. Mặc dù ngài đã phân biệt chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, nhất là chủ nghĩa xã hội đổi mới, ĐGH Piô XI lên án cả hai như những chủ thuyết đi ngưọc với chân lý Kitô giáo bởi vì chủ thuyết duy vật của chúng và chủ trương đặt xã hội lên trên con người. Nếu chủ nghĩa tư bản, tự bản chất không bị coi là xấu thì chủ nghĩa tự do kinh tế đã là đối tượng của một sự chỉ trích kịch liệt gắn liền với điều mà nó cho là « khoa học xã hội cá nhân chủ nghĩa… không biết đến tính chất xã hội và luân lý của hoạt động kinh tế » ( Quadragesimo anno, QA 95). Nếu quyền tư hữu được nhắc đến, nó không phải là một quyền tuyệt đối và tầm quan trọng của những bất công xã hội khiến người ta nghi ngờ rằng « một sự bất công đáng phẫn nộ… đã đáp ứng những dự kiến vô cùng khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa ». (QA 5). Sự tập trung quyền lực kinh tế và ảnh hưởng của nó trên nền chính trị đặt vấn đề về tự do cạnh tranh : « sự tự do cạnh tranh đã tự hủy diệt ; tiếp theo thị trường tự do sẽ là độc tài kinh tế » (QA 117). Còn về tài chánh, sự quan trọng của nó được công nhận, nhưng sự tập trung quyền lực của các cổ đông và giới tài chánh đã bị cực lực phê phán, cũng như những tác động tệ hại của đầu cơ kinh tế. ĐGH Piô XI kêu gọi một sự can thiệp của Nhà nước, và không quên đưa ra một khuôn khổ hoạt động của Nhà nước thông qua nguyên tắc bổ trợ : « Mong rằng cơ quan công quyền cấp cao hơn nhường cho các cơ quan công quyền cấp thấp hơn giải quyết những công việc kém quan trọng để tránh bị mất sức » (QA 88). Ngài muốn vượt lên sự chống đối giữa tư bản và lao động, mở ra con đường cho những tư tưởng mà mãi về sau này người ta mới định nghĩa như là cổ đông công nhân, đồng quan lý, tham gia vốn. Về phần lương bổng, ngài giữ cân bằng quan niệm lương bổng công bằng nghĩa là nếu lương bổng không được quá thấp thì nó cũng không được quá cao, để lưu tâm đến « những nhu cầu của kinh tế » và đến một mục tiêu là có đầy đủ công ăn việc làm.
Trong lúc ĐGH Lê-ô XIII giữ một lập trường dè dặt, chủ trương hòa hợp và kêu gọi lòng bác ái để cứu giúp những người khốn cùng nhất, ĐGH Piô XI phát biểu một sự phê phán có cơ sở lý luận của những cơ chế đòi hỏi sự thay đổi các cơ chế này nhân danh công bằng : bác ái và công bằng đều cần.
Những thông điệp chính trị của ĐGH Piô XI và những Thông Điệp phát thanh của ĐGH Piô XII
Vào cuối triều đại của ngài, ĐGH Piô XI trở lại những vấn đề chính trị để đối đầu với những chủ thuyết cộng sản và quốc xã (Divini redemptoris et Mit brennender Sorge, đã được công bố chỉ cách nhau mấy ngày vào tháng 3/1937). Suy nghĩ của ngài được tiếp nối bởi Đức Piô XII, đặc biệt là những bản thông điệp phát thanh của những năm từ 1941 đến 1944. Suy nghĩ này đánh dấu sự khởi đầu của một sự tiến hóa của vị trí Giáo hội trên vấn đề nhân quyền.
Trước đây Giáo hội từng chống nhân quyền đã được cuộc Cách mạng Pháp khẳng định : Đó là những quyền của một con người tự chủ, được giải phóng ra khỏi mọi hình thức lệ thuộc tôn giáo. Sự tự chủ tuyệt đối này của con người mang trong nó những mầm mống của độc tài : không có chuẩn mực nào để giới hạn những tham vọng của chính trị. Như vậy, các chủ thuyết như cộng sản và quốc xã đã dẫn tới những hình thức chính trị độc tài trong đó xã hội chiếm địa vị tối thượng trên con người làm nên nó.
Giáo hội không thể nào giới hạn những sự lạm dụng của chính trị chỉ nhờ vào uy tín của mình hay của Thiên Chúa vì các giá trị này vốn không được nhìn nhận. Giáo hội vì thế chỉ còn cách thừa nhận nền móng của sự giới hạn này trong con người, đó là nhân phẩm, và gắn liền trong sự thấu hiểu chính đáng về công ích vốn là mục tiêu của Nhà nước. Con người có một phẩm giá và những quyền không thể khoan nhượng mà mọi người có thể công nhận, và Giáo hội kết hợp với bản chất con người do Thiên Chúa tạo dựng. Nhà nước không có bổn phận bảo đảm thiện ích của từng con người, nhưng chỉ lo cho « công ích » nhằm tạo những điều kiện ngoại tại cần thiết cho toàn thể các công dân để phát triển các phẩm chất, chức năng, đời sống vật chất, trí tuệ và tôn giáo” của mình (Noël 42), và gìn giữ cho khung cảnh riêng tư của mình khỏi bị xâm lấn bởi các Nhà nước : Sự hoàn hảo của mỗi người toát ra từ tự do cá nhân ; con người được đặt để ở trung tâm của các thể chế, con người là mục tiêu và cứu cánh của các thể chế. Sự khẳng định trung tâm này sẽ trở thành một hằng số quan trọng của GHXHGH.
Kết luận
Trong hồi đầu của sự triển khai, GHXHGH xuất hiện như một tư duy phê phán đối với những thể chế kinh tế, chính trị và xã hội. Các vị Giáo hoàng triển khai các phân tích của mình dưới ánh sáng Mạc Khải, trong khung cảnh một sơ đồ thứ bậc trong đó Giáo hội ở trên đỉnh, chiếu theo chân lý mà Giáo hội là chứng nhân. Lời lẽ của các ngài đều thống nhất nói rõ, ánh quang này soi sáng những thực tế xã hội để ấn định những nguyên tắc của một trật tự xã hội công bằng và phù hợp với Phúc Âm. Trong lúc khai thông nhiều chỉ trích và nguyên tắc, nó mở ra cho tri thức của trật tự xã hội và góp phần một cách đáng kể vào những tiến hóa xã hội của thời đó.
Phong cách gắn kết tư duy từ trên xuống dưới này tiến hóa có lợi cho một sự tiến sát mang tính quy nạp hơn. Kể từ thời ĐGH Gioan XXIII và Công Đồng Vaticanô II, thay vì soi sáng trật tự xã hội bằng ánh quang Mạc Khải, tư duy mở rộng hơn ra từ thực tế xã hội để làm nổi bật những thách đố và tầm cỡ tâm linh. Trên chiều hướng này GHXHGH không chỉ mang tính xã hội ; nó trở thành tài liệu mang tính « thần học » nhiều hơn.
Giáo Huấn Xã Hội sau Công Đồng Vaticanô II
Từ Đức Gioan XXIII tới Công Đồng Vaticanô II : Mater et magistra (1961), Pacem in terris (1963), Gaudium et spes và Dignitatis humanae (1965)
ĐGH Gioan XXIII gắn kết tư duy của mình xung quanh con người và sự thống nhất các chiều kích trần thế và tâm linh. Nhân học nhân vị và thần học, sẽ được xác định bởi các Nghị Phụ Công Đồng trong Gaudium et spes, là nền tảng luận văn xã hội của Giáo hội.
Tính cách tiên báo của các ý kiến của ĐGH Gioan XXIII đã xuất hiện trong nhiều lãnh vực. Ngài nói về « sự phát triển toàn diện » của con người, và về sự chú tâm cần thiết cho chiều kích tâm linh của con người để xây dựng một « trật tự trần thế vững chắc và phong phú » (Mater et magistra 217), như ngài đã nhấn mạnh trong chương cuối của thông điệp Mater et magistra, mang tựa đề « Nối lại những quan hệ của đời sống nói chung trong chân lý, công bằng và tình yêu ». Sự phát triển cũng trải qua lao động và kinh doanh nhằm trở thành những « cộng đồng nhân loại ». Xã Hội là một « thực tế tinh thần » đang tìm thấy « cơ bản khách quan trong Thiên Chúa đích thực siêu nghiệm và con người » (Pacem in terris 38). Ngài xác định nhân quyền có quan hệ với các bổn phận của ngài, trong lúc nhắc nhở rằng, xa hơn các quyền và bổn phận, trật tự xã hội cuối cùng được đặt trên bốn cột trụ : chân lý, công lý, tình yêu và tự do. Con người được mời gọi tham gia cụ thể để thỏa mãn những « đòi hỏi » của công lý và công ích. Những đòi hỏi này có liên quan đặc biệt đến các Kitô hữu mà ngài nhắc lại rằng sự tham gia trong lãnh vực xã hội – kinh tế không đi ngược lại sự toàn hảo Kitô giáo : ngài là một trong những nơi chốn để xác thực và để hoàn tất. Đức Thánh Cha Gioan XXIII chú tâm đến những chân trời mới trên thế giới : sự khuếch trương toàn cầu những tình trạng lệ thuộc lẫn nhau đã khiến ngài phát biểu về « công ích toàn cầu » và về một thẩm quyền toàn cầu mà ngài yêu cầu phát triển.
Hiến chế mục vụ Gaudium et spes trình bày nhãn quan của Giáo hội về thế giới trong một viễn cảnh trong đó những tầm cỡ trần thế và tâm linh hợp nhất. Nhãn quan được Mạc Khải soi sáng, động viên khám phá chiều sâu tâm linh đưa ra trong những thực tế của thế giới. Chúng ta sẽ chủ yếu gợi lên phần đầu của Gaudium et spes, trong đó các Nghị Phụ đã vạch rõ nhân học thần học từng được Đức Thánh Cha Gioan XXIII phác thảo.
Chia sẻ những lo ngại và hy vọng của con người, các Nghị Phụ đã huy động những kho tàng lý trí và thần học để ứng xử với con người, với xã hội và với sinh hoạt con người. Quan niệm nhân học của các ngài vừa mang tính cá nhân, nhấn mạnh sự quan trọng của những quan hệ trong sự cấu tạo con người, vừa mang tính thần học, trong ý nghĩa mà chiều kích tâm linh cố hữu của con người được tôn vinh đầy đủ và chủ định được soi sáng rộng rãi bởi Mạc Khải. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải mà thực tế con người đã được khám phá : « Thực chất, mầu nhiệm con người chỉ thực sự được soi sáng trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể » (Gaudium et spes 22). Sự hợp nhất các chiều kích thế tục và tâm linh được diễn đạt bởi từ « toàn diện ». Các nghị phụ nói đến ơn gọi toàn diện của con người, đến phát triển toàn diện (GS 59), đến văn hóa toàn diện, đến sản xuất để phục vụ toàn thể con người, đến sự thiện hảo trọn vẹn của con người. Sự hợp nhất này đã đưa các Nghị Phụ đến việc xác định mạnh mẽ sự cần thiết đến một sự dấn thân trần thế: « Sự tách biệt giữa đức tin mà nhiều người tuyên xưng và đời sống thường nhật của họ là một trong những sai lầm nghiêm trọng hơn của thời đại chúng ta » (GS 43).
Nhân học này mở ra một sự suy nghĩ về cộng đồng nhân loại mang theo một chiều kích thần học vốn cũng được Mac Khải soi sáng : các Nghị Phụ ghi lại « có một nét giống nhau nào đó giữa sự hợp nhất các Ngôi Vị Thiên Chúa và sự hợp nhất giữa con cái Thiên Chúa trong chân lý và trong tình yêu » (GS 24).
Mở ra với sự hiệp thông, cộng đồng này được thực hiện bởi sinh hoạt con người, cũng được dự kiến dưới góc cạnh tâm linh vốn là nội tại của con người. Như vậy, « thông điệp Kitô giáo không làm cho con người chuyển hướng không còn xây dựng thế giới nữa và cũng không xúi dục con người làm ngơ trước những sai lầm của người khác : trái lại, nó đã biến điều này thành một nhiệm vụ cấp bách » (GS 34). Con người mà Thiên Chúa đã giao cho cả công trình tạo dựng đã trở thành người đồng-tạo dựng : con người có trách nhiệm xây dựng thế giới để mang lại « tình huynh đệ hoàn vũ », nhằm xây dựng Nước Chúa. Sự tự chủ mà con người có được trong ơn gọi này là nguồn gốc lưỡng diện của « tiến bộ » : nó có thể « phục vụ cho hạnh phúc đích thực của con người » hay trở thành một « khí cụ tội lỗi ». Vì vậy các sinh hoạt con người « cần được thanh tẩy và đưa đến sự hoàn thiện bởi Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô » (GS 37).
Khởi sự từ Công Đồng Vaticanô II, Học thuyết Xã hội đã được nâng cao với chiều kích thần học: suy tư về những đường nét của một trật tự xã hội công bằng gắn liền với việc đảm nhận các chiều kích thiêng liêng của con người và xã hội.
Tuyên ngôn Dignitatis humanae, hoàn tất sự suy nghĩ về vị trí trung tâm của con người và những quyền con người bằng cách giải quyết các quyền trên phương diện tôn giáo. Trước hết, đứng trên cương vi dân sự và pháp lý, bản tuyên ngôn xác quyết quyền tự do tôn giáo, trên bình diện tư nhân cũng như bình diện công cộng. Sự không có cưỡng bức trên mặt tôn giáo là điều bắt buộc đối với Nhà nước và đối với Giáo hội. Trong phần thứ nhì, các Nghị Phụ đứng trên lập trường thần học để chứng minh rằng sự tự do, cho dù trong sai lầm, cũng phải được tôn trọng. Như chính Đức Kitô đã làm, Giáo hội, trong sứ vụ của mình, cũng đã tôn trọng phẩm giá và tự do của con người. Như thế, vì là một trong những hình thức của sự rao truyền Phúc Âm bởi Giáo hội, GHXHGH không thể được coi như những chỉ thị, mà như sự trình bày của một suy nghĩ nhằm mô tả chân lý về mặt xã hội, một chân lý mang tính bắt buộc bởi tiềm năng chất chứa trong nó.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI : Populorum progressio (1967)
Với Populorum progressio, mà ĐGH Biển Đức XVI gọi là « Rerum novarum của thời hiện đại » (Caritas in veritate 8), ĐGH Phaolô VI bắt đầu một chương mới của GHXHGH : trong đường hướng do ĐGH Gioan XXIII mở ra, Đức Phaolô VI đã mở rộng sự suy nghĩ ra đến tận cùng thế giới. Ngài dựa trên những công trình của linh mục Lebret để phân tích những nguyên do của sự kém phát triển và bản chất của một sự phát triển đầy đủ tính nhân bản.
Cuộc giải thực đã đưa nhiều quốc gia đến độc lập chính trị và đã làm thay đổi khung cảnh chung của những quan hệ kinh tế của những nước này với các quốc gia công nghiệp. Nhưng nền tự do của các nước này vẫn bị giới hạn bởi một tình hình kinh tế thường hay còn ở trong trạng thái mong manh. Những vùng nghèo đói tuyệt đối đã bành trướng trong các nước đó, trong lúc khoảng cách giữa các nước này với các nước công nghiệp hóa ngày càng gia tăng. Đức Phaolô VI lưu ý thế giới về một tình trạng mà theo ngài thì vừa không thể chấp nhận được và vừa nguy hiểm. Nhấn mạnh rằng « vấn đề xã hội đang trở thành vấn đề toàn cầu », ngài đánh giá rằng sự nghèo đói và tình trạng kém phát triển không chỉ là hậu quả của thiên tai, mà còn là hậu quả của bất công cần phải « tranh đấu và đánh thắng ». Vì vậy, ngài đã mời gọi các nước thực hiện « những thay đổi táo bạo… » và « những canh tân khẩn cấp » (PP 32), trong khuôn khổ một lời kêu gọi « nên có một hành động thận trọng cho sự phát triển toàn diện con người và sự phát triển xã hội của nhân loại » (PP 5).
Ngài cảnh báo chống lại một khái niệm phát triển hoàn toàn kinh tế. « Để mang tính đích thực, sự phát triển phải mang tính toàn diện, nghĩa là thăng tiến mọi người và toàn bộ từng con người » (PP 14). Sự phát triển nhằm một « sự triển nở con người trọn vẹn » bao gồm, ngoài những điều kiện vật chất của cuộc sống, còn có « khả năng tham gia vào những trách nhiệm mà không bị bất cứ sức ép nào », được học hành nhiều hơn để trở thành có khả năng là những tác nhân có trách nhiệm về tình trạng vật chất của chính mình, « về sự tiến bộ tinh thần và sự triển nở tâm linh của mình » (PP 34). Sự phát triển của mọi con người đòi hỏi phải cụ thể sống trong tình liên đới đích thực giữa các dân tộc. Sự liên đới này là một bổn phận xây dựng trên « tình huynh đệ nhân bản và thánh thiêng » (PP 44) và cũng là con đường dẫn tới sự thực hiện cụ thể một tình huynh đệ được trải nghiệm trọn vẹn.
Bản phúc trình này của ĐGH Phalô VI đã được HĐGM Nam Mỹ họp ở Medellin năm 1968 dùng lại. Các chú dẫn của ĐGH Phaolô VI về áp bức, về giải phóng nô lệ, những lời kêu gọi đấu tranh chống bất công được các giám mục Nam Mỹ nhấn mạnh đã nuôi dưỡng sự phát triển của thần học giải phóng. Hậu quả là một số đông người Kitô giáo đã tham gia vào một phong trào có xu hướng chính trị mạnh mẽ, đôi khi là theo chủ nghĩa mác-xít nhằm giải phóng sự áp bức trên bình diện thế gian nhất thời. Điều này khiến Đức Phaolô VI phải xác định mục tiêu của sứ điệp Octogesima adveniens (1971). Trong đó, ngài cảnh báo chống lại các chủ thuyết, đặc biệt là chủ thuyết Mác-xít, và nhắc nhở rằng điều kiện của một sự giải phóng đích thực chính là sự tự do « nội tâm ». Viễn cảnh này mang tính thần học rỏ nét hơn được triển khai trong tông huấn Evangelii nuntiandi (1975). Giải phóng đã được nói đến trong đó với một sự chấp nhận thần học : Giải phóng thực sự là sự cứu thoát do Đức Kitô tiến hành để giải phóng con người ra khỏi tội lỗi. Nếu, dù là nhân danh Phúc Âm hóa, Giáo hội phải dấn thân để giải phóng trên các bình diện kinh tế và chính trị, thì một sự dấn thân như thế phải được sắp xếp trong khuôn khổ sự cứu thoát của Chúa Giêsu Kitô : thúc đẩy bởi « công bình và bác ái » (Evangelii nuntiandi, EN 35), được quan niệm như một sự cộng tác với công trình cứu chuộc của Thiên Chúa và được hoàn tất bởi Nước Chúa. Hoạt động của Giáo hội trước hết nhằm sự trở lại của tâm hôn con người, là điều kiện và phương tiện đầu tiên của việc xây dựng những cấu trúc công bằng (EN 36).
Tư tưởng của ĐGH Phaolô VI bao quát những ghi nhận thời đại trong một viễn cảnh tinh thần mang lại cho chúng nền tảng và mục đích. Tư tưởng này là sự thể hiện cụ thể phương hướng được trình bày trong hiến chế Gaudium et spes : sự kết hợp chặt chẽ giữa diện nhân học và diện thần học. Chính như vậy mà ĐGH Phaolô VI mường tượng trong sự toàn cầu hóa, khả năng của một « đời sống mang nhiều tính huynh đệ hơn trong một cộng đồng nhân loại thực sự hoàn vũ » (PP 85).
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II : Laborem exercens (1981), Sollicitudo reisocialis (1987), Centesimus annus (1991)
ĐGH Gioan Phaolô II chiếm địa vị toàn vẹn trong viễn cảnh này, ngài dành một chỗ rộng lớn cho một nhân học vừa mang tính nhân bản vừa mang tính thần học, hay « toàn diện » theo ý nghĩa của Gaudium et spes
Sau Ba Mươi Mùa Xuân Vinh Quang và sự sụp đổ bức tường Bá Linh, ngài viết trong một bối cảnh lịch sử hơi khác với ĐGH Phaolô VI. Những vấn đề phát triển vẫn luôn rất gay gắt, với những bất đồng đều ngày càng gia tăng, giữa và ngay trong nội bộ các quốc gia ; chủ nghĩa tự do kinh tế ngự trị và mở ra với một sự toàn cầu hóa kinh tế và tài chánh ; ý thức về các vấn đề môi trường sinh thái phát triển.
Đức Gioan Phaolô II dành 3 sứ điệp cho luân lý xã hội : Laborem exercens (1981), Sollicitudo rei socialis (1987), et Centesimus annus (1991). Ngài đã triển khai trong đó những vấn đề xã hội trong nghĩa rộng, và dành một phần quan trọng cho những vấn đề kinh tế. Những phân tích của ngài đặt con người vào vị trí trung tâm, con người được coi như một « nhân vị », một bản thể có liên hệ và « chủ thể tự chủ về quyết định luân lý xây dựng nên trật tự xã hội bởi quyết định này » (Centesimus annus 13). Các thể chế, như vậy, là thành quả của sự tự do con người ; chúng phải phục vụ con người, và được xây dựng trên một quan niệm chính xác về con người.
« …cái làm nền và, trong một cách thức nào đó, làm kim chỉ nam cho sứ điệp và cho cả học thuyết xã hội của Giáo hội, chính là quan niệm chính xác về con người, về giá trị độc nhất của con người, khi mà con người ở trên trái đất còn là tạo vật duy nhất mà Thiên Chúa đã muốn chỉ vì chính bản thân nó » (CA 11).
Trái lại, những « sai lầm nhân học » nằm ở trung tâm các trục trặc vận hành mà ngài tố giác, nhất là trên bình diện kinh tế, chính trị và cũng cả trên mặt sinh thái. Các thể chế, kinh tế, xã hội và chính trị, thực chất được con người xây dựng lên tùy theo những biểu hiện của con người, về bản chất và mục đích của con người.
« Sai lầm, như người ta đã nói, là ở chỗ quan niệm về tự do con người mà lại không thuần phục chân lý và như vậy, cũng không tôn trọng các quyền của người khác ».
Chân lý con người quyết định cách hành sử đúng đắn sự tự do của mình, chính là vì con người được tạo dựng theo hình ảnh củă thiên Chúa. Con người phát triển trong cộng đồng, qua các quan hệ nối liền con người với những người cùng thời và với những thế hệ trước và sau. Con người tìm thấy sự thành toàn của mình trong sự hiệp thông với người khác và với Thiên Chúa.
Trong những sai lầm, ĐGH Gioan Phaolô II kể tới chủ nghĩa duy vật, chỉ coi con người dưới góc độ của những nhu cầu vật chất, và chủ nghĩa vô thần, chối bỏ quan hệ với Thiên Chúa. Căn bản hơn, quan niệm của ngài về con người như một « nhân vị » đối nghịch với chủ nghĩa cá nhân, tôn vinh sự độc lập và coi thường các quan hệ, đối nghịch với chủ nghĩa tập thể, không tôn trọng vị trí đứng đầu của con người trên cộng đồng. Chủ nghĩa nhân vị của ĐGH Gioan Phaolô II, như vậy nằm ở trung tâm lời tố cáo đối với chủ nghĩa tự do kinh tế cũng như chủ nghĩa xã hội.
ĐGH Gioan Phaolô II dành một chỗ quan trọng cho những vấn đề kinh tế, mà ngài đặt trong một viễn cảnh nhân học và thần học.
Kinh tế và lao động là một trong những nơi chốn thực hiện của con người và của cộng đồng. Trong Centesimus annus, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh nhiều phương diện tích cực của kinh tế tự do. Nền kinh tế này dựa trên quyền tư hữu, trên sự tự do con người và sự trách nhiệm về mặt kinh tế ; nó thúc đẩy sự sáng tạo và sự tự do sáng kiến. Ngần ấy điểm tạo thành nền tảng của một sự tố cáo cả chủ nghĩa xã hội lẫn những phát triển quá đáng của Nhà nước bao cấp. Thị trường được công nhận như một phương tiện hữu hiệu để cung cấp những tài nguyên, để nhận biết và thỏa mãn những nhu cầu của con người, nhưng nó không giải quyết những nhu cầu có thể chi trả và có những giới hạn CA 34). Lợi nhuận là chính đáng, như là đồng hồ báo hiệu sự vận hành tốt của xí nghiệp, nhưng không phải là tiêu chuẩn duy nhất :
« … mục đích của xí nghiệp không chỉ là sản xuất lợi nhuận, mà sự hiện hữu của xí nghiệp là một cộng đồng con người, bằng cách này hay cách khác, tìm kiếm sự thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của họ và lập thành một nhóm đặc biệt phục vụ cho toàn xã hội » (CA 35).
Sự phán đoán tích cực của ngài về chủ nghĩa tư bản tự do tuy nhiên cũng kèm theo một lời cảnh báo chống lại những quan niệm tự do mới của chủ nghĩa tư bản (CA 42) mà lịch sử đã chỉ rõ tính thích đáng.
Các thể chế kinh tế, xã hội và chính trị có mục đích là sự phát triển toàn diện của con người. Chính từ mục đích đó mà phải quan niệm những thể chế này. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người làm cho họ có trách nhiệm tập thể để chu toàn ơn gọi của họ, cũng là sự chu toàn bất khả phân với con người và cộng đồng.
Như thế, trong Laborem exercens, lao động con người được xem như là một sự biểu thị của nhân vị, và như là nơi hoàn tất thiên chức cá nhân, cộng đồng và tâm linh : nhờ lao động con người cập nhật hóa và phát triển khả năng của mình, « con người tự chứng tỏ là con người và trên một chiều hướng nào đó, ‘con người trở thành con người’ » (Laborem exercens 9). Nhờ lao động, con người hợp nhất với những người khác để hình thành một cộng đồng. Đó là trường hợp trong xí nghiệp, « cộng đồng con người… để phục vụ cho toàn thể xã hội » (CA 35). Đó cũng chính là trường hợp nhờ trao đổi những thành quả của lao động giữa con người và xuyên qua các thể hệ. Nhờ lao động, con người đóng góp vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô và vào việc xây dựng « thân thể của tân gia đình nhân loại » và vào « sự bành trướng Vương Quốc Đức Chúa Trời » (LE 27).
Tư bản không thể đối nghịch với lao động : thành quả lao động của các thế hệ, nó vẫn quan hệ với lao động. Sự ưu tiên của lao động trên tư bản là bắt buộc bởi vì nó đến từ sự ưu tiên của con người trước sự vật. Như thế, Đức Gioan Phaolô II đã chống lại một hình thức « tư bản « cứng nhắc » chỉ bảo vệ sự độc chiếm quyền tư hữu các phương tiện sản xuất như là một giáo điều bất khả xâm phạm của sinh hoạt kinh tế » (LE 14). Ngài cũng cực lực phê phán những hình thức tập thể hóa các tư liệu sản xuất. Giữ hai thái cực, ngài thừa nhận quyền sở hữu các tư liệu sản xuất, nhưng ngài đã khoanh tròn nghiêm ngặt tầm ảnh hưởng và nhấn mạnh rằng « quyền sở hữu chính đáng duy nhất đối với các phương tìện sản xuất … là vì chúng phục vụ cho lao động » (LE 14).
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người trong lao động không giới hạn trong quan hệ chủ-thợ. Đức Gioan Phaolô II trong việc này đã gợi lại ý niệm người sử dụng lao động gián tiếp. Sự phân biệt giữa chủ trực tiếp và gián tiếp này giúp làm cho minh bạch trách nhiệm đạo đức của các tác viên, tuy không can thiệp trực tiếp trong quan hệ lao động, cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nội dung. Các Nhà nước, các xí nghiệp gia công, những người ra lệnh, cũng như những người tiêu thụ đều đứng trong một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau nơi mà trách nhiệm đạo đức của mỗi người đều bị ràng buộc. Họ gián tiếp ấn định những điều kiện cụ thể trong đó lao động sẽ diễn ra.
Về việc phát triển, Đức Gioan Phaolô II, trong một bối cảnh khác đã nối tiếp những tư tưởng của ĐGH Phaolô VI trong Populorum progressio:
« … sự phát triển không được hiểu là chỉ có trên lãnh vực kinh tế, nhưng phải hiểu trong một ý nghĩa hoàn toàn nhân bản. Đây là vấn đề xây dựng, nhờ lao động đơn độc, cuộc đời xứng đáng, làm gia tăng thực sự phẩm giá và óc sáng tạo của mỗi con người, khả năng đáp ứng ơn gọi của con người và như thế là đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa » (CA 29).
« … sự kém phát triển cũng không phải chỉ trên lãnh vực kinh tế ; nó cũng mang tính văn hóa, chính trị, và đơn giản hơn là mang tính con người » (Sollicitudo rei socialis, SRS 15).
Ngoài ra ngài còn nhấn mạnh rằng sự kém phát triển này không chỉ ảnh hưởng đến những nước nghèo, mà cả những nước giầu : một mặt những hình thức nghèo mới đã phát triển trong các quốc gia đó, mặt khác, hiện tượng siêu tiêu thụ để lại một sự không thỏa mãn căn bản và dẫn tới một hình thức tha hóa đối với của cải vật chất. Những tiến hóa này đặt ra vấn đề khả năng con người để hoàn thành ơn gọi cơ bản của mình và đòi hỏi phải « lấy thái độ luân lý cơ bản » (SRS 35), phải « có những thay đổi thái độ tinh thần » (SRS 38).
ĐGH Biển Đức XVI : Caritas in veritate (2009)
Thông điệp Caritas in veritate tiếp nối thông điệp Populorum progressio, từ đó ĐGH Biển Đức XVI triển khai các trực cảm. Ngài lấy lại tầm vóc thế giới của sự suy nghĩ đang ngự trị trong một thế giới từ nay đang bị toàn cầu hóa một cách rộng rãi, và, khi tập trung phát biểu của ngài trên tình yêu caritas, ngài trang bị cho nó một tầm mức thần học đáng ghi nhận.
Trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh trầm trọng, Đức Giáo Hoàng đã có một cái nhìn vừa sáng suốt và mang tính phê phán, nhưng cũng vừa lạc quan và đầy hy vọng đối với thế giới hiện nay. Niềm hy vọng này được xây dựng trên bác ái, trong đó Đức Giáo Hoàng nhìn thấy nền móng và sự phấn khởi đang thúc đẩy con người để xây dựng một tình huynh đệ nhân bản hoàn vũ. Đức Gioan Phaolô II đã đặt con người vào trung tâm sự suy nghĩ của ngài và của Giáo Huấn Xã Hội, ĐGH Biển Đức XVI đã đặt nơi đó tình yêu-bác ái, nguyên tắc tác động thúc đẩy con người trong việc thực hiện ơn gọi của mình.
Bác ái, sự thể hiện tuyệt hảo của tình yêu, là hồng ân Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, như nhan đề của thông điệp đầu tiên của ngài, là trục trung tâm luận đề của ngài. Bác ái là « con đường chính của Giáo Huấn Xã Hội » (CV 2), và là « sức mạnh năng động chính yếu của sự phát triển đích thực » (CV 1). Sống bác ái trong chân lý là ơn gọi của mọi con người. Đức Ái kêu gọi mọi người thiện chí công nhận và hành động cho « lý tưởng Kitô giáo trong một gia đình duy nhất của các dân tộc, liên đới trong một tình huynh đệ chung » (CV 13). Bác ái trong chân lý soi sáng chiều sâu các thực tế xã hội, kinh tế và chính trị nơi mà tình huynh đệ được xây dựng.
Đức Giáo Hoàng nói rõ những hậu quả cụ thể của những thực tế này và những đòi hỏi trước tình hình thế giới hiện nay. Không đưa ra những giải pháp thực tiễn, ngài dựa trên các tài liệu của các vị tiền nhiệm để mở ra những viễn cảnh mới và chất vấn lương tâm mọi người trong một thông điệp đầy hy vọng : con người có tự do và có trách nhiệm, các cấu trúc và thể chế đang nhào nặn thế giới là những thứ do con người làm ra, chúng không bao giờ tuột ra khỏi những quyết định của sự tự do con người. Dưới ánh sáng bác ái trong chân lý, sự tự do của con người có thể khám phá ra cách hướng hành động của mình theo những tiêu chuẩn của công bằng, của liên đới, của bổ trợ, và của công ích là những điều xuất phát từ bác ái.
Bác ái bằng hành động được cụ thể hóa bởi sự hiến tặng và tính miễn phí, hai khái niệm trong toàn bộ luận đề của Đức Giáo Hoàng. Quà hiến tặng đầu tiên là của Thiên Chúa : Ơn tình yêu-bác ái (CV 2, 5, 34), Ơn tạo dựng (CV 48), Ơn sự sống. Con người được mời gọi sống ơn ban tặng này vốn có nguồn mạch trong bác ái : « Con người được tạo thành cho ơn tặng ; đó là ơn tặng đã biểu lộ và thực hiện tầm vóc siêu nghiệm của nó » (CV 34). Bác ái là sức mạnh cho phép con người sống ơn tặng này trong các lãnh vực khác nhau trong cuộc đời mình, nó là « sức mạnh năng động cốt yếu của sự phát triển đích thực của mỗi con người và của toàn thể nhân loại » (CV 1).
Đức Giáo Hoàng nói rõ công trình và những đòi hỏi của bác ái liên quan đến một số những vấn đề cụ thể : xã hội chính trị, các quan hệ quốc tế, quan hệ với môi trường, với đời sống, với những kỹ thuật, với kinh tế. Trong mỗi lãnh vực, bác ái phục vụ cho ơn tặng, cho tính nhưng không để thiết lập một tình huynh đệ hoàn vũ và liên đới :
« … nếu phát triển kinh tế, xã hội và chính trị muốn được mang tính nhân bản đích thực, nó phải chú ý tới nguyên tắc miẽn phí như sự thể hiện của tình huynh đệ » (CV 34).
Ngài triển khai đặc biệt hơn suy nghĩ của ngài về các vấn đề kinh tế. Đức Giáo Hoàng phê phán sự phân tách quá rặt ròi giữa kinh tế và chính trị, những buông trôi của một nền tài chánh toàn cầu hóa và sự chi phối quá mức trên những xí nghiệp qua sự tham ô của những người lãnh đạo. Không mong muốn sự thoái hóa, ngài kêu gọi sự tái xét các cách sống, sự sử dụng tiết kiệm hơn và phân bố tốt hơn những tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, viễn cảnh của ngài vẫn cơ bản là tích cực : kinh tế, tài chánh, thị trường, toàn cầu hóa, như những kỹ thuật mà con người triển khai, tự chúng không xấu. Nhưng chúng có một tầm vóc đạo đức, mà con người phải cáng đáng. Ở đây nữa, con người có trách niệm về các thể chế, về hình thức của chúng và về sự sử dụng chúng. Chính bổn phận con người là thúc đẩy chúng tùy theo bác ái trong chân lý, để biến chúng thành những nơi của tình huynh đệ và của « hiệp thông với người khác cho một sự tăng trưởng chung » (CV 51).
« Chúng ta có thể tự chính chúng ta lập thành cộng đồng con người, nhưng với tự sức nó, cộng đồng này sẽ không bao giờ có thể là một cộng đồng huynh đệ đầy đủ cũng không vượt quá những giới hạn của riêng nó, nghĩa là trở thành một cộng đồng thật sự hoàn vũ : sự hợp nhất của loài người, sự hiệp thông huynh đệ vượt quá tất cả mọi sự chia rẽ, sinh ra từ lời kêu gọi được bày tỏ bởi Lời của Thiên Chúa-Tình Yêu » (CV 34).
Kết luận
Toàn cảnh lịch sử này chứng tỏ là sự suy nghĩ của Giáo hội lập thành một học thuyết vừa xuyến suốt vừa vững vàng, mà nội dung từng bước xác định trong các tài liệu của Giáo hội có liên hệ tới những tình huống lịch sử. Từ Công Đồng Vaticanô II, Học Thuyết Xã Hội mang tính thần học rõ rệt hơn. Đức Gioan Phaolô II đã làm minh bạch sự kết nối trung tâm : con người và ơn gọi tự nhiên cũng như siêu nhiên của mình, trong đó chân lý được soi sáng bởi con người của Đức Kitô. ĐGH Biển Đức XVI nhấn mạnh vai trò trung tâm của tình yêu-bác ái nhận được từ Thiên Chúa trong công cuộc xây dựng một nhân loại hoàn tất : con người là một nhân vị được dựng lên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người chu toàn ơn gọi của mình và đạt tới sự trọn lành trong sự hiệp thông huynh đệ và hoàn vũ. Ơn gọi này và sự hiệp thông này có một tầm vóc cụ thể : chúng được thực hiện trên thế giới dựa trên những thể chế kinh tế, xã hội, chính trị mà con người đã xây dựng lên. Khi soạn thảo luận văn xã hội, Giáo hội đóng góp vào sự thực hiện này khi đề nghị một sự suy nghĩ được nuôi dưỡng bằng những tài nguyên của lý trí và của Mạc khải.
Tác giả: Baudoin Roger, Giám đốc học viện Kinh tế – Con Người – Xã Hội, Giáo sư Đại Học Notre-Dame và Trung Tâm Sèvres.
15-11-2012
Mai Khôi dịch
Nguồn : https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/l-histoire/3-panorama-historique