Đức Tường dịch
Tôi thân ái gửi lời chào tới tất cả mọi người đang tham dự “Đại hội Liên hoan GHXH của Giáo hội“. Chủ đề của năm nay là : “Ở giữa mọi người”, điều biểu lộ một chân lý cao cả : chúng ta được tạo ra để ở giữa những người khác, cũng như tôi đã nhắc nhở vào ngày hôm sau ngày tôi được bầu cử lên ngôi giám mục Rôma.
Sứ điệp video của Đức giáo hoàng
Tính nhân bản được làm giàu nhiều hơn nếu chúng ta ở cùng người khác và dù cho tình hình có ra sao đi nữa. Chính sự cô lập mới làm hại chứ không phải sự chia sẻ. Cô lập làm gia tăng sự sợ hãi và ngờ vực và nó cản trở người ta hưởng thụ tình huynh đệ. Chúng ta phải tự nhủ rằng, sẽ có nhiều rủi ro khi chúng ta tự cô lập hơn là khi chúng ta mở ra cho người khác : khả năng làm hại chúng ta không nằm ở trong sự gặp gỡ mà trong sự khép kín và sự từ chối. Điều này cũng đúng như là khi chúng ta chăm sóc cho một người khác : tôi nghĩ tới một người bệnh, một người già, một di dân, một người nghèo, một người thất nghiệp. Khi chúng ta săn sóc người khác, chúng ta ít làm cho đời sống phúc tạp hơn là chúng ta chỉ tập trung vào chính chúng ta.
Ở giữa mọi người không chỉ có nghĩa là cởi mở và gặp gỡ người khác, mà còn là để người ta tới gặp mình. Chính chúng ta mới cần được nhìn tới, được kêu gọi, được đụng chạm, được chất vấn, chính chúng ta mới cần người khác để có thể tham gia vào tất cả những gì người khác có thể cống hiến.
Quan hệ đòi hỏi sự trao đổi này giữa mọi người : kinh nghiệm nói với chúng ta rằng thường thường, chúng ta nhận được từ người khác nhiều hơn là chúng ta cho đi. Ở giữa những người chúng ta, có một sự phong phú nhân bản đích thực. Có vô số câu chuyện về sự liên đới, trợ giúp, nâng đỡ, được trải nghiệm trong các gia đình của chúng ta, trong các cộng đoàn của chúng ta.
Thật là ấn tượng có nhiều người trải nghiệm với phẩm giá những hạn chế về kinh tế, với đau khổ, với lao động vất vả, với thử thách. Khi gặp những người đó, bạn có thể sờ mó được sự cao cả của họ và bạn nhận được như một ánh sáng giúp cho nhìn thấy rõ ràng là người ta có thể trau dồi một niềm hy vọng cho tương lai. Người ta có thể tin rằng cái thiện mạnh hơn cái ác bởi vì chúng đang ở đó.
Khi ở giữa mọi người, ta tiếp cận được giáo huấn của những sự việc. Tôi lấy một thí dụ : người ta kể cho tôi rằng có một thiếu nữ 19 tuổi bị chết cách đây không lâu. Sự đau buồn thật là bao la, rất nhiều người đã dự tang lễ của nàng. Điều đánh động mọi người, không phải chỉ là không có dấu hiệu thất vọng, mà là cảm nhận một sự thanh thản. Sau tang lễ, mọi người nói với nhau sự sửng sốt khi dự lễ xong ra về, đã được như trút đi một gánh nặng. Bà mẹ của người thiếu nữ đã nói : “Tôi đã nhận được ơn thanh thản”.
Đời sống hàng ngày được đan dệt bằng những sự việc đánh dấu cuộc đời chúng ta : chúng không bao giờ mất đi sự hữu hiệu của chúng dù rằng chúng không nằm trong những nhan đề của những việc thường nhật. Chính là những gì thực sự xẩy ra : không nhiều lời, không giải thích, người ta hiểu được điều gì có giá trị hay không trong cuộc đời.
Ở giữa mọi người cũng có nghĩa cảm thấy rằng mỗi người trong chúng ta đều là thành phần của một dân tộc. Cuộc sống cụ thể có thể được không phải vì nó là sự tổng hợp của nhiều con người, mà chính là vì sự liên hợp của nhiều con người cùng chung sức xây dựng công ích.
Ở cùng nhau sẽ giúp cho chúng ta nhìn được tổng thể. Khi chúng ta nhìn được tổng thể, nhãn quan ca chúng ta được phong phú hóa và sẽ thấy đương nhiên là các vai trò của mỗi người bên trong những động lực xã hội không hề bao giờ bị lẻ loi hay tuyệt đối hóa.
Khi dân chúng cách xa người lãnh đạo, khi người ta lựa chọn căn cứ vào quyền lực và không căn cứ vào sự chia sẻ cho dân chúng, khi người lãnh đạo lại quan trọng hơn dân chúng và những quyết định được đưa ra từ một thiểu số, hay vô danh, hay luôn được chiếu theo những tình trạng khẩn cấp hay với lý do như vậy, lúc đó sự hài hòa xã hội bị nguy hiểm với những hậu quả nặng nề cho người ta : sự nghèo nàn gia tăng, hòa bình bị nguy hiểm, tiền bạc chỉ huy, và người ta đau khổ.
Như vậy, ở giữa mọi người, có ích lợi không những cho cuộc đời của những cá nhân, nhưng là một sự ích lợi cho tất cả. Ở giữa mọi người làm rõ tính đa mầu sắc, đa văn hóa, đa chủng tộc và đa tôn giáo. Mọi người có thể sờ mó được cái giầu có và cái đẹp của sự khác biệt. Người ta chỉ có thể bằng một bạo lực to lớn, làm giảm tính đa diện thành đồng điệu, tính đa nguyên tư tưởng và hành động thành mô thức hành động và tư tưởng độc nhất.
Khi ở với mọi người, chúng ta đụng tới tính nhân bản : không bao giờ chỉ có cái đầu, còn phải luôn luôn có trái tim, có thêm tính cụ thể, và bớt đi tính chủ thuyết.
Để giải quyết những vấn đề của người ta, phải khởi đi từ dưới, phải lấm tay, phải có can đảm, phải lắng nghe những người bị bỏ rơi.
Tôi nghĩ rằng, tự nhiên sẽ có lúc chúng ta tự hỏi : làm thế nào để hành động như thế ? Chúng ta có thể tìm thấy lời giải khi ngước mắt nhìn lên Đức Maria. Mẹ là nữ tỳ, Mẹ khiêm nhường, Mẹ giàu lòng thương xót, Mẹ đồng hành với chúng ta, Mẹ cụ thể, Mẹ không bao giờ ở giữa sân khấu, nhưng Mẹ là một sự hiện diện thường trực.
Nếu chúng ta nhìn lên Mẹ, chúng ta tìm được cách tốt nhất để ở giữa mọi người. Khi nhìn lên Mẹ, chúng ta có thể đi trên mọi nẻo đường của con người mà không hề sợ hãi cũng không có định kiến, với Mẹ, chúng ta có thể trở nên có khả năng không loại bỏ ai hết.
Đó là lời cầu chúc của tôi cho tất cả anh chị em. Trước khi chào biệt anh chị em, tôi muốn cảm ơn Đức giám mục Vêrôna vì sự đón tiếp của ngài, cảm ơn tất cả những thiện nguyên viên vì sự sẵn sàng phục vụ và vì lòng đại lượng của họ, cảm ơn cha Adriano Vicenzi vì công việc ngài đã hoàn tất giúp cho sự hiểu biết và thực hành GHXH của Giáo Hội.
Và tôi cầu xin anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn !
Nguồn: zenit.org