Tự bản chất xâu xa, con người là một → sinh vật xã hội. Cả trên thiên đàng lẫn ở trần gian, con người đều cần dựa vào cộng đồng. Trở lại thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã trao cho con người những quy tắc và điều răn để họ theo đó mà sống một cuộc đời ngay chính và tốt lành. Lý trí của con người có thể phân biệt giữa hành động xấu và tốt, và những hành vi tốt là cần thiết để xây dựng một trật tự xã hội công bằng. Nơi Đức Giêsu, chúng ta thấy công lý chỉ được hoàn thành trong tình yêu. Các ý niệm ngày nay về sự liên đới được gợi lên từ tình yêu dành cho người lân cận của Kitô giáo.
(DOCAT, 22)
Vì mọi người đều là con cái Thiên Chúa, đều có một phẩm giá ngang nhau, nên Hội Thánh có những học thuyết riêng cho con người, để phẩm giá họ được tôn trọng. Hội Thánh công nhận quyền tự trị của chính trị và kinh tế, tuy nhiên, khi chính trị và kinh tế xâm phạm đến phẩm giá của con người thì Hội Thánh phải can thiệp.
Những vui mừng và hy vọng, những buồn sầu và lo lắng của con người thời nay, nhất là của người nghèo, cũng là những vui mừng và hy vọng, những buồn sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô. (Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, mở đầu). Học thuyết xã hội của Hội Thánh lấy câu này để áp dụng cụ thể. Hội Thánh đặt câu hỏi: làm thế nào chúng ta gắn kết trách nhiệm của chúng ta để làm cho mọi người sống sung túc và được đối xử công bằng, kể cả những người không phải Kitô hữu? Quan niệm sống về đời sống cộng đồng giữa mọi người, về các thể chế chính trị, kinh tế và xã hội cốt tại gì? Đường lối hướng dẫn Hội Thánh dấn thân cho hòa bình là tình yêu người, đặt nền móng trên tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại.
(YOUCAT, 438)
Cách con người sống với nhau trong xã hội thường chi phối chất lượng cuộc sống của họ, nghĩa là chi phối các điều kiện sống, trong đó con người hiểu nhau và đưa ra những quyết định về bản thân họ và về thiên chức của họ. Chính vì lý do đó, Giáo Hội không thể thờ ơ với những gì con người quyết định, thực hiện hay trải nghiệm trong xã hội; Giáo Hội quan tâm tới tính chất luân lý của đời sống xã hội, tức là quan tâm tới những khía cạnh đúng là của con người và làm đời sống xã hội của con người nhân bản hơn. Xã hội – và cùng với xã hội, chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hoá – không phải chỉ đơn thuần là một cái gì trần tục ở thế gian này và vì thế xa lạ đối với thông điệp cứu độ và nhiệm cục cứu độ. Thật vậy, xã hội, và tất cả những gì được thực hiện trong xã hội, luôn có liên quan tới con người. Xã hội được thiết lập bởi những con người, mà con người lại cũng chính là “lộ trình quan trọng nhất và căn bản của Giáo Hội”
(Sách Tóm lược, số 62)
Hội Thánh đưa ra các phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội, “khi các quyền căn bản của con người hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi việc đó”. Trên bình diện luân lý, Hội thánh hành dộng do sứ vụ khác với sứ vụ của chính quyền: Hội thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì lý do chúng quy hướng về Sự Thiện tối thượng, là mục đích tối hậu của chúng ta. Hội thánh cố gắng thôi thúc những thái độ đúng đắn liên quan đến của cải trần thế và trong các tương quan kinh tế xã hội.
(Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2420)