Hoàng Kim Khánh
I. Lời dẫn
Đọc Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Eduacationis) được Đức Giáo hoàng Phaolô VI công bố ngày 28/10/1965 trong kỳ họp thứ IV của Công Đồng Vatican II, chúng ta nhận ra những điểm chính yếu trong quan niệm của Giáo hội Công giáo về giáo dục như sau:
1. Giáo dục có vai trò quan trọng trong đời sống con người, và sự phát triển của xã hội.
2. Giáo dục không chỉ nhằm đào tạo con người trở nên có ích cho gia đình và xã hội mà còn là phương tiện để thực hiện sứ mệnh loan truyền Tin mừng cứu độ cho mọi người và tái lập mọi sự trong Chúa Kitô.
3. Giáo dục là quá trình đào tạo một con người diễn ra liên tục từ khi nó được sinh ra đến khi chết, do đó giáo dục bao gồm: giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, và giáo dục những người trưởng thành.
4. Gia đình, nhà trường, xã hội; đặc biệt là gia đình, có bổn phận, trách nhiệm trong việc giáo dục con người.
5. Mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, dựa vào phẩm giá của nhân vị, đều có quyền được hưởng một nền giáo dục chân chính.
II. Giáo dục Kitô giáo là gì?
Khó để có một giải thích đầy đủ giáo dục Kitô giáo là gì? Ở đây, chúng ta có thể hiểu giáo dục Kitô giáo là quá trình dạy cho người khác biết về đạo Công giáo, tin vào đạo, theo đạo, và sống đạo.
III. Mục đích của Giáo dục Kitô giáo.
1. Theo Tuyên ngôn Giáo dục Kitô giáo (số 2), giáo dục Kitô giáo có mục đích: “Không những giúp con người trưởng thành, mà còn giúp những người đã lãnh bí tích Thánh tẩy:
– hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi, trở nên những người ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã lãnh nhận;
– biết thờ phượng Thiên Chúa, đặc biệt qua việc cử hành phụng vụ;
– đào luyện để sống theo con người mới, nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, vươn tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể.
– làm chứng cho niềm hy vọng họ đang có, cải tạo thế giới theo tinh thần Kitô giáo”.
2. Theo Thư Chung 2007 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (số 3), ngắn gọn hơn, “Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo:
– không chỉ rèn luyện con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội;
– mà còn giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân Nước trời. Sứ mạng đó được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần”.
Ở Việt Nam, do Giáo hội Công giáo không được tham gia vào việc giáo dục, đặc biệt không được mở trường học (trường Tiểu học, Trung học, Đại học), như vậy phải chăng việc giáo dục Kitô giáo do Giáo Hội thực hiện, diễn ra bên cạnh với giáo dục tri thức khoa học, văn hóa do các trường học trong xã hội thực hiện?
Cụ thể, Nhà Nước thực hiện giáo dục tri thức cho học sinh ở trường học; Giáo hội thực hiện giáo dục Kitô giáo cho giáo dân ở cộng đoàn giáo xứ.
IV. Nội dung giáo dục Kitô giáo ở Việt Nam.
Thư chung 2007, HĐGMVN chỉ rõ: giáo dục Kitô giáo gồm:
1. Giáo dục Đức tin:
Dạy cho tín hữu những tín lý và giúp họ sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể. Nhờ đó, các tín hữu sẽ trở thành men, thành muối và ánh sáng cho trần gian (Thư chung 2007, số 32).
Khi giáo dục đức tin, Giáo hội cũng nhằm đến giáo dục con người toàn diện để giúp họ nhận ra phẩm giá của mình. Khi ý thức sâu sắc về phẩm giá của mình, họ cũng nhận lấy sứ mạng lên đường loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô cho người chưa tin và củng cố lòng tin của anh chị em mình (Thư chung 2007, số 33).
2. Giáo dục tình liên đới:
Cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình (Thư chung 2007, số 34).
3. Huấn luyện lương tâm:
Giảng dạy cho nhau luật luân lý và tập cho nhau lắng nghe lòng mình phán đoán điều thiện – ác. Bởi vì “lương tâm là luật tự nhiên vốn phản ảnh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người” (Tóm lược Học Thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 140), “lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân càng tránh được độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý”.
Khi có lương tâm ngay thẳng, con người dễ dàng cộng tác với nhau để xây dựng cuộc sống công bằng, tôn trọng phẩm giá và sự sống con người hơn (Thư chung 2007, số 35).
4. Phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam:
Tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, … của dân tộc đã góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước. Phát huy truyền thống ấy phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam (Thư chung 2007, số 37).
Trong hoàn cảnh của GHCGVN, việc giáo dục Kitô giáo chỉ được thực hiện chủ yếu bằng việc giảng dạy giáo lý cho thanh thiếu nhi, và thông qua hoạt động của các đoàn thể cho người trưởng thành ở các cộng đoàn giáo xứ. Nhưng xem ra, hiệu quả còn rất hạn chế bởi không có một chương trình giáo lý thống nhất, chính thức, áp dụng chung cho tất cả các giáo phận, đội ngũ giáo viên giáo lý không ổn định và không được đào tạo cả về giáo lý và sư phạm, gia đình thiếu quan tâm, các đoàn thể không chú trọng việc học hỏi giáo lý, …
V. Phương thức giáo dục Kitô giáo
1. Huấn giáo:
Giáo Hội muốn sử dụng tất cả các phương thức thích hợp, nhưng vẫn đặc biệt chú tâm đến những phương thức riêng biệt của mình, trước tiên là chương trình huấn giáo nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa Kitô, đưa đến việc tham dự cách ý thức và tích cực vào mầu nhiệm phụng vụ, khuyến khích hoạt động tông đồ (TN GDKTG, số 4).
2. Kitô hóa các phương tiện truyền thông xã hội, các tổ chức thanh thiếu niên:
Giáo Hội tìm cách làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhập và nâng cao các phương tiện truyền thông xã hội, các tổ chức, các phong trào thanh thiếu niên và nhất là các trường học (TN GDKTG, số 4).
3. Hình thành các trường Công giáo:
Trường công giáo cũng theo đuổi những mục tiêu văn hoá và giáo dục nhân bản cho thanh thiếu niên như các trường khác, và còn tạo cho môi trường học đường một bầu khí sống động, thấm đẫm tinh thần tự do và bác ái của Tin Mừng, giúp thanh thiếu niên phát triển nhân cách, đồng thời làm phát triển con người mới đã được hình thành khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, và cuối cùng hướng nền văn hoá chung của nhân loại vào việc loan truyền ơn cứu rỗi, giúp các học sinh nhận thức về thế giới, cuộc đời và con người dưới ánh sáng đức tin.
Trường công giáo dạy cho học sinh biết hoạt động hữu hiệu cho thiện ích của xã hội, và chuẩn bị cho các em biết phục vụ để mở rộng Nước Chúa. Bằng đời sống gương mẫu và tinh thần tông đồ, các em trở nên như men cứu rỗi giữa cộng đồng nhân loại. (TN GDKTG, số 8).
Tiếc rằng, sau 20/7/1954 ở miền Bắc và sau 30/4/1975 ở miền Nam các trường Công giáo không được phép hoạt động. HĐGMVN đã nhiều lần bày tỏ ước muốn được góp phần vào việc giáo dục nhưng vẫn chưa được Nhà Nước Việt Nam chấp nhận. Hy vọng, ước mong tốt đẹp này sớm thành hiện thực.
4. Xây dựng gia đình Công giáo:
Như trên đã nói, gia đình góp phần quan trọng trong quá trình giáo dục, đào tạo con người nói chung và giáo dục Kitô giáo nói riêng. Vì vậy, việc giáo dục Kitô giáo đặt ra vấn đề “xây dựng gia đình công giáo”, một gia đình mà cha mẹ (Tuyên ngôn Giáo dục Kitô giáo, số 3, 6):
– là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu, nếu cha mẹ không làm thì không ai có thể bổ khuyết được.
– có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí tràn đầy tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục toàn diện trong đời sống cá nhân và xã hội của con cái.
– phải dạy dỗ con cái ngay khi chúng còn ấu thơ, hợp với đức tin đã lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy. Chính trong gia đình, con trẻ có được kinh nghiệm đầu tiên về một xã hội nhân bản và về Giáo Hội; nhờ gia đình, các em được hướng dẫn để hội nhập vào cộng đồng nhân loại cũng như cộng đoàn Dân Chúa.
– và phải ý thức sâu xa về tầm quan trọng của một gia đình công giáo đối với đời sống và sự thăng tiến của cả đoàn Dân Thiên Chúa.
VI. Lời kết:
Qua Thư chung 2007, HĐGMVN kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa thực hiện ba bước sau đây để chấn chỉnh lại việc giáo dục Kitô giáo:
– 2008: chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình công giáo.
– 2009: chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên.
– 2010: chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ.
Sau 17 năm thực hiện các bước chấn chỉnh với hy vọng nâng cao việc giáo dục Kitô giáo nhưng khách quan để nhận rằng, công việc quan trọng ấy – quyết định sự tồn tại của Giáo Hội, vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Phát biểu sau đây của một linh mục, phụ trách việc giảng dạy Giáo lý của một giáo phận, “Xem ra, việc giáo dục Kitô giáo là việc của Chúa chứ không phải việc của các tín hữu hôm nay” cho chúng ta nhận ra nguyên nhân của vấn đề.