1969 Việc thăng tiến nhân quyền, con đường dẫn tới hòa bình

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
PHAOLÔ VI DÀNH CHO VIỆC CỬ HÀNH
NGÀY HÒA BÌNH
NGÀY 1 THÁNG 1 NĂM 1969
VIỆC THĂNG TIẾN NHÂN QUYỀN,
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HÒA BÌNH

Gửi đến tất cả những người thiện chí, gửi đến tất cả những người chịu trách nhiệm cho sự phát triển của lịch sử hôm nay và ngày mai;

qua đó, gửi đến những người hướng dẫn chính trị, công luận, các định hướng xã hội, văn hóa, giáo dục,

gửi đến các bạn trẻ, đang lớn lên trong sự khao khát canh tân khắp thế giới, bằng tiếng nói khiêm tốn và tự do, phát ra từ nơi hoang địa ở đó không có sự quan tâm của thế gian, Chúng tôi một lần nữa tuyên bố rằng Hòa bình là lời khẩn cầu và trọng thể.

Hòa bình ngày nay thực chất gắn liền với sự công nhận lý tưởng và sự thực hiện hiệu quả các quyền của con người. Các quyền căn bản này đều có một bổn phận tương ứng đi kèm, đó là Hòa bình.

Hòa bình là một bổn phận.

Tất cả những lời bình luận của thế giới hiện đại liên quan đến sự phát triển của các quan hệ quốc tế, sự tương thuộc về các lợi ích của các dân tộc, quyền tiếp cận tự do và độc lập của các Quốc gia mới, các nỗ lực được thực hiện bởi nền văn minh nhằm thiết lập một tổ chức pháp lý duy nhất trên toàn thế giới, các mối nguy hiểm của những thảm họa khôn lường nếu các cuộc xung đột vũ trang mới xảy ra, tâm lý của con người hiện đại với ước muốn của mình về nền thịnh vượng yên bình và các mối tương quan nhân loại phổ quát, sự tiến bộ của chủ nghĩa đại đồng và sự tôn trọng lẫn nhau đối với các quyền tự do cá nhân và xã hội, toàn bộ điều này thuyết phục chúng ta rằng Hòa bình là một trong những thiện ích tối thượng của cuộc sống con người trên trái đất, một lợi ích hàng đầu, một khát vọng chung, một lý tưởng xứng đáng của nhân loại, sự làm chủ của chính mình và của thế giới, một sự cần thiết để duy trì các thắng lợi đã đạt được và để đạt được các thắng lợi khác, một điều luật cơ bản cho sự loan truyền tự do về tư tưởng, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật, và một yêu sách có thể không còn bị áp bức gắn liền với vận mệnh con người. Sở dĩ như vậy vì Hòa bình là an ninh, Hòa bình là trật tự. Một trật tự công bằng và năng động mà Chúng tôi muốn muốn nói thêm là phải được xây dựng liên tục. Không có Hòa bình thì không có sự tin tưởng, không có sự tin tưởng thì không có sự tiến bộ. Chúng tôi tuyên bố rằng sự tin tưởng đó phải bắt nguồn từ công lý và sự ngay thẳng. Chỉ trong bầu khí của Hòa bình thì quyền mới có thể được công nhận, công lý mới có thể thăng tiến, tự do mới có thể thở phào. Vậy, nếu đó là ý nghĩa của Hòa bình, nếu đó là giá trị của Hòa bình, thì Hòa bình là một bổn phận.

Đó là bổn phận của lịch sử hiện nay. Bất kỳ ai suy tư về những bài học mà lịch sử quá khứ dạy cho chúng ta sẽ lập tức tiến hành để tuyên bố rằng sự quay trở lại chiến tranh, sự đấu tranh, sự tàn sát, sự hủy diệt được gây ra bởi tâm lý của các lực lượng và vũ khí xung đột, thậm chí cái chết của những con người là các công dân của trần gian, tổ quốc chung thực sự của cuộc đời chúng ta, thì đó là một sự quay về ngu xuẩn. Ai cũng biết tầm quan trọng của con người không thể tránh né là trở thành người theo đuổi Hòa bình. Bất kỳ ai suy tư về những nguyên nhân của các cuộc xung đột giữa những con người với nhau đều phải thừa nhận rằng những người ấy đều để lộ ra một sự thiếu hụt trong trí tuệ của con người, chứ không phải các nhân đức đích thực của sự vĩ đại luân lý của con người. Sự cần thiết của chiến tranh có thể được biện minh chỉ trong những điều kiện ngoại lệ và tồi tệ của thực tế và pháp luật, những điều kiện không bao giờ được xác minh trong xã hội thế giới hiện đại. Lý trí, chứ không phải sức mạnh, phải quyết định các vận mệnh của các dân tộc. Sự hiểu biết, các cuộc thương thuyết, việc phân sử phải can thiệp vào các mối quan hệ khó khăn giữa những con người, chứ không phải sự vi phạm, máu và nô lệ.  Không có thỏa ước đình chiến tạm thời, sự quân bình không ổn định, nỗi sợ hãi trả đũa và trả thù, sự chinh phục thành công hay sự kiêu ngạo may mắn, có thể đảm bảo một nền Hòa bình xứng đáng với danh xưng của nó. Hòa bình phải có ý chí. Hòa bình phải được yêu thương. Hòa bình phải được tạo ra. Nó phải là một hệ quả luân lý; nó phải nảy sinh từ những tinh thần tự do và quảng đại. Nó dường như chỉ là giấc mơ; nhưng là một giấc vốn trở thành hiện thực dựa trên một quan niệm nhân văn mới mẻ và ưu việt.

Vâng, một giấc mơ, vì kinh nghiệm của những năm gần đây và sự trỗi dậy của những luồng ý tưởng ác tà, như cuộc tranh chấp vô chính phủ cực đoan, bạo lực được xem là hợp pháp và luôn luôn cần thiết, chính sách quyền lực và chính trị, cuộc chạy đua vũ trang, sự tin tưởng vào các phương pháp xảo quyệt và lừa dối, những cuộc thử nghiệm không có lối thoát của sức mạnh, và những điều khác, dường như làm tiêu tan hy vọng cho trật từ hòa bình của thế giới. Tuy vậy niềm hy vọng ấy vẫn còn, vì nó phải còn. Nó là ánh sáng của sự tiến bộ và của nền văn minh. Thế giới không thể từ bỏ giấc mơ hy vọng về Hòa bình phổ quát. Chính xác là vì lẽ ấy mà Chúng tôi tuyên bố rằng Hòa bình luôn tồn tại, luôn không trọn vẹn, luôn mong manh, luôn bị tấn công, và luôn khó khăn. Chúng tôi tuyên bố Hòa bình như một bổn phận, một bổn phận không thể thoái thác. Bổn phận của những người chịu trách nhiệm cho vận mệnh của các dân tộc. Bổn phận của mỗi công dân của thế giới; vì tất cả mọi người phải yêu Hòa bình, và tất cả mọi người phải cùng nhau làm việc để tạo ra tâm tính công cộng và lương tâm chung để làm cho nó trở nên khả dĩ và có khả năng xảy ra. Hòa bình tiên vàn phải ở trong tâm trí của mọi người để rồi sau đó nó mới có thể tồn tại trong các sự kiện của con người.

Thật vậy, Hòa bình là một bổn phận phổ quát và trường tồn. Để nhắc lại châm ngôn này của nền văn minh hiện đại, Chúng tôi mời gọi thế giới một lần nữa kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới vào mồng 1 tháng Giêng năm 1969 sắp bắt đầu. Đây là một mong muốn, một niềm hy vọng và một sự cam kết; mặt trời đầu tiên của năm mới phải chiếu ánh sáng Hòa bình xuống trái đất.

Chúng tôi dám hy vọng rằng, trên hết, chính Giới trẻ sẽ nắm bắt lời mời gọi này như một lời yêu cầu có thể diễn giải mọi điều mới mẻ, sống động và lớn lao, được khao khát bởi tinh thần phẫn nộ của họ, vì Hòa bình đòi buộc sự sửa chữa các sự lạm dụng và trùng hợp với chính nghĩa của công lý.

Năm nay là một dịp đặc biệt để đưa ra đề xuất của Chúng tôi dành cho tất cả mọi người: việc mừng lễ kỷ niệm 25 năm bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người, các cá nhân, các gia đình, các nhóm, các hiệp hội và các quốc gia. Không ai được quên hay xao lãng bản tuyên ngôn này, vì nó kêu gọi sự công nhận mang tính nền tảng của mọi người đối với quyền công dân có phẩm giá đầy đủ cho mọi người trên trái đất. Từ sự công nhận như thế làm nảy sinh ý tưởng cho đề tài đầu tiên của Hòa bình; trên thực tế, chủ đề của Ngày Hòa bình Thế giới chính xác là thế này: “Việc thăng tiến Nhân quyền, con đường dẫn đến Hòa bình”. Để con người có thể được đảm bảo quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền văn hóa, quyền hưởng các lợi ích của nền văn minh, phẩm giá nhân vị và xã hội, Hòa bình là cần thiết: khi Hòa bình mất đi sự quân bình và tính hiệu quả, thì Nhân quyền trở nên bấp bênh và bị nhượng bộ; khi không có Hòa bình thì quyền mất đi tầm vóc nhân văn của nó. Hơn nữa, nơi nào Nhân quyền không được tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến, thì nơi đó bạo lực hay gian lận được thực hiện đối với các quyền tự do bất khả xâm phạm của con người, nơi nào nhân phẩm của con người bị phớt lờ hoặc bị tha hóa, nơi nào có sự phân biệt đối xử, tình trạng nô lệ hoặc sự bất khoan dung chiếm ưu thế, thì nơi đó không thể có Hòa bình đích thực. Hòa bình và các Quyền là nguyên nhân và kết quả mang tính hỗ tương, cái này là của cái kia: Hòa bình ủng hộ các Quyền, và các Quyền ủng hộ lại Hòa bình.

Chúng tôi mạo muội hy vọng rằng những lập luận này sẽ chứng tỏ giá trị phù hợp đối với mọi người, mọi nhóm người, mọi Quốc gia; rằng tầm quan trọng siêu việt của chính nghĩa Hòa bình sẽ khuyến khích việc suy ngẫm và áp dụng nó. Hòa bình và Nhân quyền – đó là suy nghĩ mà Chúng tôi hy vọng con người sẽ khởi đầu cho năm sắp tới. Lời mời của Chúng tôi là chân thành, không có mục đích nào khác ngoài sự thiện hảo của nhân loại. Tiếng nói của chúng tôi tuy yếu ớt nhưng rõ ràng; đó là tiếng nói của một người bạn, người mong muốn nó được lắng nghe không phải vì ai nói mà vì những gì người ấy nói. Nó được gửi đến cho thế giới; thế giới đó hãy suy nghĩ, trở nên có khả năng, tăng trưởng, làm việc, đau khổ, chờ đợi. Ôi! Cầu mong cho tiếng nói này không bị phớt lờ! Hòa bình là một bổn phận!

Sứ điệp này của Chúng tôi không thể thiếu sức mạnh đến từ Phúc âm mà Chúng tôi là thừa tác viên, Phúc âm của Chúa Kitô.

Giống như Phúc âm, Hòa bình cũng được ngỏ lời với mọi người trên thế giới.

Tuy nhiên, một cách trực tiếp hơn, gửi đến quý huynh, các Hiền đệ đáng kính trong Giám Mục đoàn, và gửi đến các con yêu dấu và các thành viên trung thành của Hội thánh Công giáo, Chúng tôi lặp lại lời mời của mình để cử hành Ngày Hòa bình; và lời mời gọi này trở thành một giới răn, không phải của Chúng tôi mà là của Chúa, Đấng mong muốn chúng ta đoan chắc và trở thành những người hoạt động tích cực cho Hòa bình nếu chúng ta được kể vào số những người được chúc phúc đã được ghi dấu là con cái của Thiên Chúa (Mt đoạn 9). Tiếng nói của Chúng tôi tự nó gửi đến anh chị em; nó trở thành một tiếng kêu, bởi vì đối với chúng ta là những tín hữu, Hòa bình mang một ý nghĩa thậm chí còn sâu sắc và huyền nhiệm hơn, nó mang lại giá trị của sự viên mãn về tinh thần và sự cứu độ cá nhân, tập thể và xã hội; đối với chúng ta, Hòa bình trần thế và tạm thời là sự phản ánh và là khúc dạo đầu của Hòa bình thiên đàng và vĩnh cửu.

Đối với chúng ta, những Kitô hữu, Hòa bình không chỉ là một trạng thái cân bằng bên ngoài, một trật tự pháp lý, một sự phức hợp của các mối quan hệ công cộng có kỷ luật; đối với chúng ta, Hòa bình trước hết là kết quả của việc thực hiện kế hoạch khôn ngoan và tình yêu đó, qua đó Thiên Chúa muốn bước vào những mối quan hệ siêu nhiên với nhân loại. Hòa bình là hiệu quả đầu tiên của nhiệm cục mới mẻ đó của Thiên Chúa mà chúng ta gọi là ân sủng – “Ân sủng và hòa bình”, như các Thánh Tông đồ nói – đó là các quà tặng của Thiên Chúa trở nên phong cách sống của người Kitô hữu; đó là một giai đoạn Đấng Thiên Sai chiếu ánh sáng và niềm hy vọng của nó trên thành phố trần thế, tăng cường bằng những động cơ cao cả của nó hơn cả những lý do mà thành phố đó đặt nền tảng cho Hòa bình của riêng nó. Cùng với phẩm giá của các công dân trên thế giới, Hòa bình của Chúa Kitô làm tăng thêm phẩm giá của con cái Cha trên trời; đối với sự bình đẳng tự nhiên của con người, Hòa bình bổ sung thêm tình huynh đệ Kitô giáo; đối với sự cạnh tranh của con người luôn thỏa hiệp và xâm phạm Hòa bình, Hòa bình của Chúa Kitô làm suy yếu các lý do và động cơ chống đối, từ đó cho thấy những ưu điểm của một trật tự luân lý lý tưởng và cao siêu hơn, và bộc lộ nhân đức tôn giáo và dân sự tuyệt diệu của lòng tha thứ quảng đại; trước sự bất lực của nghệ thuật con người trong việc tạo ra một nền Hòa bình vững chắc và ổn định, Hòa bình của Chúa Kitô hỗ trợ cho sự lạc quan vô tận của nó; trước sự ngụy biện của các chính sách về sự uy tín tự mãn và lợi ích vật chất, Hòa bình của Chúa Kitô gợi ý một chính sách bác ái; đối với công lý, thường quá yếu đuối và thiếu kiên nhẫn, bảo vệ các nhu cầu của nó bằng sự cuồng nộ của vũ khí, Hòa bình của Chúa Kitô làm thấm nhuần năng lực không thể chinh phục của những quyền đó bắt nguồn từ những lý do sâu xa nhất của bản chất con người và từ vận mệnh siêu việt của con người. Hòa bình của Chúa Kitô, bắt nguồn từ hy tế cứu độ, không phải là sự sợ hãi sức mạnh và sự chống cự; Hòa bình của Chúa Kitô, hiểu được nỗi đau và nhu cầu của con người, tìm thấy tình yêu và quà tặng cho những người nhỏ mọn, người nghèo, người yếu đuối, người bị tước quyền thừa kế, người đau khổ, người bị sỉ nhục, người bị chinh phục, không hèn nhát dung túng trước những bất hạnh và thiếu sót của người không có vận may hay sự che chở. Tóm lại, Hòa bình của Chúa Kitô, hơn bất kỳ công thức nhân đạo nào khác, đều quan tâm đến Nhân quyền.

Hỡi các Hiền huynh và các con, đây là điều Chúng tôi muốn anh chị em ghi nhớ và công bố vào Ngày Hòa bình Thế giới, với những điềm lành của năm mới sắp bắt đầu, nhân danh Chúa Kitô, Vua Hòa bình, Đấng bảo vệ mọi nhân quyền đích thực. Cùng với Phép lành Tòa thánh của Chúng tôi, ước mong được như vậy.

Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 1968.

Phaolô VI

Phúc Thiên Thư dịch
Nguồn: https://www.vatican.va/content/paul-vi/en/messages/peace/documents/hf_p-vi_mes_19681208_ii-world-day-for-peace.html