Vụ giết hại một nhà bảo vệ sinh thái ở Honduras nêu bật vấn nạn toàn cầu về miễn hình phạt

Nhà hoạt động môi trường người Honduras và là nhà lãnh đạo giáo dân Công giáo Juan Antonio López đã bị giết chết vào ngày 14 tháng 9 năm 2024.

Trước đây bạn có thể chưa từng nghe về Juan López. Ông là cha của hai cô con gái nhỏ, Claudia và Julia. Vợ ông tên là Telma. Ông là một nhà lãnh đạo cộng đồng ở thành phố Tocoa ở đông bắc Honduras.

Ngày 14 tháng 9, ông đã trở thành người tuẫn đạo.

Ông López đã bị bắn chết đang khi đi lễ về bởi một sát nhân vẫn chưa xác định danh tính, một sicario (tay súng) đã trốn chạy khỏi hiện trường gây án trên một xe máy. Ông đã trở thành nạn nhân mới nhất trong số những người bảo vệ thụ tạo, các quyền của người bản địa và nhân quyền—một tổn thất to lớn tại Honduras.

Ông López là thành viên của Ủy ban thành phố về bảo vệ tài sản chung và công cộng của Tocoa, công việc thường xuyên khiến ông chống lại các lợi ích thương mại và các chính trị gia địa phương và quốc gia mong muốn theo đuổi “sự phát triển” ở tỉnh Colón. Ông là một trong những nhà lãnh đạo trong nhiều năm đấu tranh để ngăn chặn khai thác sắt oxít lộ thiên, một ngành công nghiệp đe dọa nguồn nước sông Guapinol và San Pedro mà cộng đồng Lenca phụ thuộc để uống, đánh bắt cá và các nhu cầu nông nghiệp.

Chỉ vài ngày trước khi bị sát hại, ông López, cùng với các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương khác, đã yêu cầu Thị trưởng Tocoa, ông Adán Fúnez, từ chức. Ông gọi sự lãnh đạo liên tục của ông thị trưởng là không thể duy trì sau khi một đoạn video tiết lộ về cuộc trò chuyện diễn ra vào năm 2013 giữa các chính trị gia Honduras và những kẻ buôn bán ma túy liên quan đến cách phân phối tiền hối lộ. Ông Fúnez được nhắc đến như một kênh có thể cung cấp tiền mặt từ ma túy cho tổng thống khi đó là ông Mel Zelaya, người sau đó bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Đây không phải là nguồn cội căng thẳng đầu tiên với thị trưởng Tocoa. Ông López và các nhà hoạt động khác đã từng đối đầu với ông Fúnez tại các cuộc họp hội đồng được triệu tập để thảo luận về các đề xuất khai thác mỏ và thủy điện tại khu vực được bảo vệ thuộc Công viên quốc gia Montaña de Botaderos Carlos Escaleras.

Ông López được ông José Artiga, giám đốc điều hành của Quỹ Share Foundation của California, tưởng nhớ cách trìu mến vào ngày 18 tháng 9. Trong một điện thư gửi đến Châu Mỹ, ông đã so sánh ông López với một người bảo vệ môi trường và người bản địa nổi tiếng khác của Honduras là Berta Cáceres, người đã tuẫn đạo vào năm 2016. Ông viết rằng ông López “đón nhận” mọi sự từ các cuộc tranh đấu mà cộng đồng của ông phải đối mặt, “người bản địa, người Tolupanes, những người đã bị các công ty chặt cây của họ đuổi đi, cũng như cuộc đấu tranh của người Garifunas gốc Phi/Honduran phải di dời để người ta sử dụng các bãi biển xinh đẹp của họ cho các dự án du lịch.”

Ông Artiga mô tả công việc mà ông López dấn thân thực hiện là “nhiều vấn nạn từ nhiều mặt trận, bao gồm tôn giáo cho đến chính trị. Bản thân ông là thành viên hội đồng thành phố và đảng viên Đảng Tự do”.

Nhưng, ông nói thêm, “Chiếc mỏ neo của Juan chính là [đức tin của ông], được hung đúc bởi các Giê-su hữu[1]. Là một giáo lý viên, ông đã diễn giải Phúc âm và áp dụng nó như một lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo từ thần học giải phóng của Puebla và Medellín.”

Hội đồng giám mục Honduras tưởng nhớ ông López như một “người môn đệ và nhà thừa sai” chân chính, người đã sống đức tin của mình thông qua hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường.

Trong một sứ điệp gửi đến ông López sau cái chết của ông, Đức Cha Jenry Ruiz của Giáo phận Trujillo đã viết: “Ông đã nói với tôi rằng ông không phải là nhà bảo vệ môi trường vì đối với bạn, sự dấn thân xã hội, sinh thái và chính trị không phải là vấn đề ý thức hệ, nhưng là vấn đề về hữu thể của bạn đối với Chúa Kitô và Giáo hội.”

Vị giám mục lưu ý đến sự hiểu biết của nhà hoạt động về giáo huấn môi trường của Đức Giáo hoàng Phanxicô và “đức tính hiền dịu và chân thật” trong việc đáp lại những kẻ chỉ trích ông và viết rằng người bạn của ngài biết những rủi ro mà ông phải đối mặt. “Bạn biết rất rõ rằng hệ thống khai khoáng và khai thác mỏ là một hệ thống giết chết và hủy hoại toàn bộ thế giới, cùng với sự tham nhũng của các chính trị gia dối trá và các chính phủ ma túy.”

Chỉ vài ngày trước vụ ám sát ông López, Global Witness (Chứng nhân Toàn cầu), một nhóm vận động quốc tế theo dõi tình trạng dễ bị tổn thương dai dẳng của các nhà hoạt động môi trường, đã công bố phúc trình thường niên của mình, “Missing Voices,” một cuộc khảo sát về vụ giết người và sự hăm dọa các nhà hoạt động môi trường và người bản địa trên khắp thế giới. Mặc dù con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều, nhưng Global Witness đã công bố tài liệu các vụ giết hại 196 nhà hoạt động sinh thái vào năm 2023.

“Những người bảo vệ bị sát hại, theo những cách thức khác nhau, đang cố gắng bảo vệ hành tinh và ủng hộ các quyền cơ bản của con người,” Global Witness tường trình. “Mỗi vụ giết người đều khiến cho thế giới dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng khí hậu, đa dạng sinh học và sự ô nhiễm.”

Nhưng giết người không phải là chiến thuật duy nhất được sử dụng để bịt mồm toàn thể các cộng đồng khi các ngành công nghiệp khai khoáng theo đuổi lợi nhuận—thường là sự thông đồng với chính quyền khu vực và quốc gia. Theo bản phúc trình, “các cuộc tấn công gây chết người thường xảy ra cùng với các cuộc trả đũa rộng rãi hơn đối với những người bảo vệ đang bị chính phủ, doanh nghiệp và các tác nhân phi nhà nước khác nhắm tới bằng bạo lực, hăm dọa, các chiến dịch bôi nhọ và hình sự hóa. Điều này đang xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới và trong hầu hết mọi khu vực.”

Châu Mỹ Latinh luôn có số vụ giết người bảo vệ đất đai và môi trường cao nhất, và vào năm 2023, 85 phần trăm được ghi nhận ở Châu Mỹ Latinh. Bảy mươi phần trăm các vụ giết người đó xảy ra chỉ ở bốn quốc gia—Brazil, Colombia, Honduras và Mexico. Gần một nửa số nhà hoạt động bị sát hại trên toàn thế giới là thành viên của cộng đồng thổ dân.

Global Witness loan tin Colombia có số người bị sát hại cao nhất, với 79 vụ giết người vào năm 2023. Nhưng tính trên bình quân đầu người, Honduras nổi lên (không phải lần đầu tiên) là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới để làm nhà bảo vệ môi trường—18 người đã bị sát hại ở đó vào năm ngoái. Ba trong số họ là đồng nghiệp của ông López trong cuộc chiến bảo vệ các tài nguyên nước ở Tocoa.

[1] Các linh mục Dòng Chúa Giêsu hay ở Việt Nam thường được gọi là Dòng Tên.

Tác giả: Kevin Clarke
Nguồn: americamagazine.org
Phần tiếng Việt: @ giaohuanxahoi.com